Nghệ thuật vẽ sáp ong – nét văn hóa được gìn giữ lâu đời của đồng bào Mông
Lượt xem: 44
Vẽ sáp ong trên vải là một nghệ thuật được bắt nguồn và hình thành từ tổ tiên của người dân tộc Mông. Đây được coi là nghề thủ công truyền thống đã gắn bó với người Mông từ bao đời. Ngày nay, trong xã hội hiện đại và hội nhập, nét văn hóa này dần bị mai một. Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Yên về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa; xóa bỏ hủ tục lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc huyện Bắc Yên giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; nghệ thuật vẽ sáp ong được chị em phụ nữ đồng bào Mông trên địa bàn huyện gìn giữ và tô điểm trong quần áo thường ngày của các cô gái, chàng trai.

Mô hình thêu may trang phục dân tộc Mông của Hội LHPN xã Hua Nhàn là một trong những mô hình hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Mô hình được thành lập năm 2019 tại chi hội phụ nữ bản Hua Noong với 22 thành viên, đến nay nhân rộng thêm tại 2 chi hội phụ nữ bản Trông Dê và Hồ Sen, với tổng số 54 thành viên. Hàng năm, Ban chủ nhiệm mô hình xây dựng quy chế hoạt động, giao cho các thành viên thực hiện trồng lanh, dệt vải lanh, vẽ sáp ong, thêu may trang phục thổ cẩm của dân tộc Mông… Ngoài ra, ở các bản, xã vùng cao của huyện Bắc Yên vẫn gìn giữ, lưu truyền nét đẹp văn hóa vẽ sáp ong. Qua đó, không chỉ góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa lâu đời của đồng bào người Mông Bắc Yên mà còn là một trong những hoạt động trải nghiệm thú vị của du khách được vẽ sáp ong lên vải và thử trang phục của người Mông khi đến thăm quan, du lịch. Tuy nhiên, theo tâm sự của chị Vàng Thị Cha, Chủ tịch Hội LHPN xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên: Việc duy trì hoạt động của mô hình cũng gặp nhiều khó khăn, do đầu ra của sản phẩm chưa có, chủ yếu là chị em duy trì để phục vụ nhu cầu của gia đình; với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường như hiện nay, thế hệ trẻ ưa chuộng hoa văn thêu sẵn từ máy móc hiện đại, do vậy cũng khó khăn cho việc duy trì và phát triển mô hình thêu may trang phục dân tộc Mông.

Chị Vàng Thị Cha, Chủ tịch Hội LHPN xã Hua Nhàn chia sẻ thêm: “Trong thời gian qua, bản sắc dân tộc của người Mông cũng bị mất dần, nhất là bộ trang phục của người phụ nữ Mông không còn nhiều nữa, xác định là tiếp tục khôi phục thì đã thành lập các mô hình thêu may trang phục dân tộc, các mẹ sẽ truyền dạy cho các bé cách vẽ, cách thêu bộ trang phục dân tộc của mình nhất là vẽ sáp ong làm váy để lớp trẻ học theo, giữ gìn bản sắc dân tộc của mình”.

anh tin bai

Bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ người Mông khi vẽ sáp ong trên vải

 

Để có thành quả là những tấm vải, bộ váy hay quần áo ưng ý thì đòi hỏi người phụ nữ phải có kỹ thuật thật tỉ mỉ cùng đôi bàn tay khéo léo và sự kiên trì với thời gian lên đến vài giờ đồng hồ. Sáp ong có màu vàng và màu đen, được đun chảy với lửa nhỏ liu diu, sau đó sẽ được hòa với nhau để tạo ra màu phù hợp với trang phục. Điều quan trọng để tạo nên những kiệt tác nghệ thuật đó là chiếc bút được thiết kế bởi một thanh tre và hai lá đồng. Ở giữa hai lá đồng này có một ô trống nhỏ là nơi chứa sáp ong. Người phụ nữ khi vẽ chỉ cần đặt bút vào bát sáp ong đã được đun nóng, điều chỉnh lượng sáp ong sao cho vừa đủ để vẽ lên trên nền vải trắng, đây là công đoạn cần sự tập trung, vì chỉ một sơ suất nhỏ cũng khiến sáp bị loang ra vải hoặc các đường nét không đều. Từ đó để tạo nên những hoa văn đẹp, độc đáo, ý nghĩa, mang theo cả thông điệp về tình yêu, cuộc sống....

anh tin bai

Những chiếc bát đựng sáp ong được đun nóng trên than củi

 

Sau khi vẽ xong, sản phẩm được mang đi nhuộm bằng nước cốt của cây chàm thành màu đen, sau khi phơi khô dưới nắng sẽ được đem luộc, hấp cho lớp sáp bong ra, để lại lớp hoa văn. Có thể thấy, để làm ra một sản phẩm như tranh, váy, áo, khăn từ vẽ sáp ong là cả quá trình vô cùng cầu kì với nhiều bước. Tuy không nổi bật về màu sắc nhưng lại mang một nét màu trầm trong tổng thể với gam màu nâu và chàm. Các hoa văn trang trí vô cùng tinh tế và hài hoà, kết hợp với những nét hoa văn sáp hoa, những đường kẻ sọc và vàng được khâu cầu kỳ.

Là một trong những thành viên tích cực tham gia hoạt động vẽ sáp ong trên vải để truyền dạy cho thế hệ trẻ, chị Hạng Thị Giang, bản Hồ Sen, xã Hua Nhàn cho biết: “Từ khi còn bé tôi đã được mẹ dạy cách vẽ sáp ong trên vải, cách thêu may váy áo Mông nên kỹ thuật vẽ sáp ong đã ăn sâu vào tâm trí tôi, tôi luôn cố gắng truyền dạy cho các chị em, các cháu gái để họ biết được rằng đây là nét văn hóa lâu đời của người Mông ta”.

anh tin bai

Ban giám khảo chấm điểm sản phẩm sau khi vẽ sáp ong trên vải tại Lễ hội Hồ Sen, xã Hua Nhàn

anh tin bai


Nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc tại địa phương, trong đó, có nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải, hàng năm, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Yên luôn khuyến khích, động viên chị em phụ nữ ở địa phương phát huy, bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Đồng thời, tổ chức các Ngày hội văn hóa, tuần lễ văn hóa, như: Lễ hội mùa vàng, Ngày hội văn hóa trên quê hương vợ chồng A Phủ, Hội chợ vùng cao, dịp tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông… trong các hoạt động văn hóa ấy đều tổ chức phần thi vẽ sáp ong trên vải, thu hút đông đảo chị em phụ nữ người Mông tham gia, tạo sự lan tỏa bản sắc văn hoá riêng có, cùng với đó các nghệ nhân người Mông không ngừng cố gắng truyền dạy cho các thế hệ kế cận và mong muốn tìm hướng đi bền vững cho nghề thủ công truyền thống này. Từ đó, không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách, mà còn trở thành sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế. 

anh tin bai

Sản phẩm vẽ sáp ong trên vải

 

Được theo dõi và trải nhiệm hoạt động thi vẽ sáp ong tại Lễ hội Hồ Sen, xã Hua Nhàn lần thứ nhất năm 2024, chị Lừ Thị Oanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Khoa chia sẻ: “Bản thân tôi cũng được chứng kiến bà con dân tộc Mông thi sẽ sáp ong. Từ xưa tôi cũng biết là bộ trang phục của dân tộc Mông rất đẹp và rất tỉ mỉ, nhiều nét hoa văn; hôm nay, được chứng kiến tôi mới thấy chị em phụ nữ người Mông rất là khéo tay, chịu khó và rất là kiên trì trong vẽ hoa văn sáp ong trên váy của phụ nữ dân tộc Mông”.

Để bảo tồn, lưu giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống này, mong rằng, các cấp, các ngành tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để duy trì và phát triển sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm; giúp tri thức dân gian kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông không bị mai một trước cuộc sống hiện đại; quan tâm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa mang đậm tính thẩm mỹ, sự tài hoa, tinh tế và khéo léo của người phụ nữ Mông./.


Tác giả: Tác giả: Mùa Lầu (Trung tâm TT-VH Bắc Yên)
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập