Là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Sơn La, Bắc Yên hiện có 15/16 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Song, với sự đổi mới toàn diện từ nhận thức, tư duy kinh tế của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cộng với tinh thần đoàn kết, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc, Bắc Yên đang nỗ lực, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất nông - lâm nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và cải thiện đời sống nhân dân.

Bản đồ hành chính huyện Bắc Yên

Trong những năm gần đây, kế thừa những thành quả của quá trình xây dựng và phát triển, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của Tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Bắc Yên đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Bà con bản Cao Đa, xã Phiêng Ban (Bắc Yên) thu hoạch bông.


Bắc Yên có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2011, 2012 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 11,78 triệu đồng. Tăng trưởng ở từng ngành kinh tế đều ở mức cao, theo hướng tiến bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp (Số liệu 6 tháng đầu năm 2013: Tỷ trọng Nông - Lâm nghiệp chiếm 48,2%, tỷ trọng Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 24,5%, thương mại - dịch vụ chiếm 27,3%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với nhu cầu thị trường.


Trung tâm huyện Bắc Yên.


Kết cấu hạ tầng được đầu tư và đang từng bước hoàn thiện; hiện nay có 16/16 xã, thị trấn có đường ôtô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia; 70% số bản có điểm trường kiên cố hóa; mở mới nhiều tuyến giao thông liên bản, liên xã, tích cực hỗ trợ sản xuất cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Với đặc điểm về địa hình và khí hậu, huyện Bắc Yên được chia làm 3 vùng kinh tế với những thế mạnh và lợi thế phát triển khác nhau:

           Vùng dọc quốc lộ 37 gồm 4 xã: Mường Khoa, Song Pe, Thị trấn và  Phiêng Ban, được tập trung đầu tư và phát huy vai trò là động lực kinh tế của toàn huyện; củng cố phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến nông sản; phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, mạng lưới thương mại, dịch vụ tổng hợp.

           Vùng lòng hồ Sông đà gồm 6 xã: Mường Khoa, Song Pe, Chiềng Sại, Tạ Khoa, Chim Vàn, Pắc Ngà, phát triển sản xuất nông sản hàng hoá, dịch vụ vận tải đường thuỷ; nuôi trồng đánh bắt thuỷ sản; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn.

           Vùng cao gồm 6 xã: Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Đồng, Hua Nhàn; phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thuỷ sản nước lạnh; phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ; mở rộng diện tích khai hoang ruộng nước, vùng nguyên liệu cho chế biến nông sản hàng hoá có ưu thế như chè Tà Xùa, táo Sơn Tra gắn với trồng mới, quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng.

Bắc Yên có nhiều đồi núi, khe suối hiểm trở, độ dốc lớn (85% diện tích có độ dốc từ 25 độ trở lên); lượng mưa hàng năm từ 1.100mm - 1.600mm; huyện có 12 con suối dài từ 10 km trở lên, có nhiều tiềm năng, thuận lợi cho phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ. Hiện nay trên địa bàn huyện có 10 nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ được xây dựng, với tổng số 100 MW. Tính đến ngày 31/12/2012 có 06 nhà máy đã hoàn thành, phát điện, đó là: Suối Sập 1, Suối Sập 2, Suối Sập 3 và nậm Chim 1; Háng Đồng A, Háng Đồng B; các thuỷ điện đang trong giai đoạn gấp rút triển khai để hoàn thành trong năm 2013-2014 gồm: Nậm Chim 2, Háng đồng, Suối Lừm 1 và một số nhà máy Thuỷ điện khác đang được triển khai.

          Về tài nguyên khoáng sản, huyện Bắc Yên có nhiều loại khoáng sản, đáng kể nhất là mỏ Niken - Đồng ở bản Pót, bản Phúc và bản Khoa xã Mường khoa (diện tích khoảng trên 250 ha) có trữ lượng khá lớn trên 2 triệu tấn quặng với hàm lượng Ni 3,55%, Cu 1,3% (theo số liệu khảo sát của Công ty TNHH mỏ Niken Bản Phúc) hiện nay đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản để khai thác. Ngoài ra còn có mỏ đồng ở Chiềng Sại (diện tích khoảng 100 ha), trữ lượng khoảng 177 tấn, mỏ chì Pắc Ngà, mỏ cao lanh ở Làng Chếu; Mỏ Uran, Kaolin Trò A ở Tà Xùa; mỏ đồng - Niken ở bản Đung, bản Giàng xã Hồng Ngài.

          Tiềm năng nông nghiệp: Sở hữu một vùng núi đồi rộng lớn, Bắc Yên có 03 nhóm đất chính là đất mùn, đất phù sa và đất bạc màu, trong đó đất canh tác nông nghiệp chiếm 12%, đất lâm nghiệp 56,8% còn lại là đồi núi, đa số diện tích đất chưa sử dụng, rất thuận lợi cho phát triển trồng rừng, trồng ngô, chăn nuôi đại gia súc quy mô hộ gia đình và quy mô trang trại. Toàn huyện có trên 2000 ha táo Sơn Tra; trên 180 ha chè đặc sản Tà Xùa.


Người dân xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên thu hái chè.

Tiềm năng về du lịch: Nằm cách thành phố Sơn La 100 km về phía Tây, cách Hà Nội 200 km về phía Đông, Bắc Yên có hệ thống giao thông thuận lợi, có quốc lộ 37 chạy qua từ Hà Nội đi Sơn La (đoạn qua Bắc Yên dài 50 km), có đường liên tỉnh nối với Trạm Tấu (Yên Bái), đường thuỷ sông Đà qua địa bàn huyện dài gần 70 km, thuận lợi cho giao lưu, trao đổi hàng hoá và phát triển du lịch. Đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có sơn thuỷ hữu tình, 05 xã vùng cao của huyện có độ cao trung bình 1.500m, có khí hậu quanh năm mát mẻ, đặc biệt là khu vực Tà xùa có khí hậu mát quanh năm, với nhiệt độ trung bình 150C, rất thích hợp phát triển du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, sinh thái văn hóa.


Thi bắn nỏ tại phiên chợ vùng cao Bắc Yên.


          Chăn nuôi thuỷ sản: Huyện có dòng sông Đà trải dài trên địa bàn 06 xã với diện tích mặt nước khoảng 6.000 ha, rất thuận lợi cho nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản; bên cạnh đó Bắc Yên còn sở hữu nhiều dòng suối nước lạnh (150 C), rất phù hợp phát triển nuôi cá Hồi và các loài thuỷ sản khác.

          Bắc Yên có hệ động thực vật phong phú với nhiều loại muôn thú, rừng Bắc Yên có nhiều lâm sản quý rất thuận lợi cho phát triển, khai thác, chế biến lâm sản và dược liệu.

          Ngoài ra Bắc Yên có quy mô dân số trẻ và khá lớn với gần 60.000 người thuộc 07 dân tộc anh em, dân số trong độ tuổi lao động chiếm gần 50%. Trong xây dựng và phát triển kinh tế, nhân dân Bắc Yên có truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động, tiết kiệm ra sức phát triển kinh tế hộ gia đình, mở mang - lưu thông hàng hoá, phấn đấu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Năm 1961, Hợp tác xã Cao Đa được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; nhiều xã và hợp tác xã được khu tặng bằng khen. Năm 1962, Hợp tác xã Cao Đa được công nhận là hợp tác xã tiên tiến miền Bắc. Cùng với giá trị truyền thống văn hoá; nhân dân các dân tộc bao đời ra sức xây dựng và phát triển một nền văn hoá đặc sắc đa dạng các dân tộc, với những nét rất độc đáo, không ngừng được gìn giữ và phát huy; sắc thái độc đáo của nỗi dân tộc thể hiện đậm nét trong kho tàng văn học dân gian, trong các phong tục truyền thống, trang phục, sinh hoạt văn hoá cộng đồng, trong các sản phẩm của lao động thủ công. Bên cạnh đó nhân dân các dân tộc Bắc Yên có truyền thống yêu quê hương đất nước, anh hùng cách mạng; đoàn kết, gắn bó chặt chẽ giữa các dân tộc, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm (huyện và 02 xã Hồng Ngài, Mường Khoa được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Hơn nữa, Bắc Yên nổi tiếng với những đặc sản thơm ngon: chè Tà xùa, vang Bắc Sơn Tra, rượu Hang Chú… Đồng bào các dân tộc có truyền thống cởi mở, hiếu khách, nơi đây có những mẫu người từng đi vào văn chương đẹp như huyền thoại. Họ từng giúp nhiều nhà văn thai nghén để đời cho nhiều kiệt tác như: “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài), “ Người lái đò sông Đà” (Nguyễn Tuân)…

Lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục, y tế có tiến bộ. Tỉ lệ dân số được nghe Đài tiếng nói Việt Nam đạt 100%, tỉ lệ dân số được xem Truyền hình đạt 82%; Tỷ lệ phủ sóng thông tin di động đến 100% các xã. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất trang thiết giáo dục được quan tâm đầu tư, hiện tại có 15/16 xã, thị trấn có trường học kiên cố, quy mô trường lớp, học sinh ngày càng tăng, chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực. Có 6/16 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi, có 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, có 15/16 xã, thị trấn duy trì kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 và thị trấn duy trì kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, 16/16 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập Trung học cơ sở, toàn huyện duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và Trung học cơ sở, tỷ lệ chuyển lớp, chuyển cấp hàng năm đạt trên 98%; nhiều em thi đậu vào các trường Đại học, cao đẳng; 16/16 xã, thị trấn đã thành lập được Trung tâm học tập công đồng; có nhiều hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá, đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; 14/16 xã, 72/152 bản, tiểu khu đạt danh hiệu văn hoá; các đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hoá đều có kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hoá - xã hội khang trang, sạch đẹp, văn minh; 100% xã, bản, cơ quan, đơn vị văn hoá thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, 73,5% cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu văn hoá; 115/152 bản, tiểu khu đạt “4 không” về ma tuý chiếm 81% và 12/152 bản, tiểu khu cơ bản đạt “4 không” về ma tuý.  


Ngày Quốc khánh 2-9 tại trị trấn Bắc Yên.

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được chú trọng quan tâm, các chương trình y tế quốc gia được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt; công tác khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi, công tác y tế dự phòng và vệ sinh an toàn thực phẩm đạt được nhiều kết quả tích cực; chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ từng bước được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Năm 2012 đã tổ chức khám bệnh cho 74.842 lượt người, điều trị bệnh cho 59.576 lượt người; Công tác dân số, gia đình và trẻ em được quan tâm, tỷ lệ tăng dân số giảm xuống còn 1,52%; Chương trình xoá đói giảm nghèo được chú trọng và triển khai hiệu quả; Quan tâm chăm lo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công: hoàn thành chương trình xoá nhà tạm (toàn huyện đã xoá được 2.756 nhà tạm cho hộ nghèo); giải quyết cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, hàng năm “Quỹ ngày vì người nghèo” cấp huyện và xã huy động được trên 160 triệu đồng, từ nguồn quỹ và sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân; giải quyết đúng, đủ chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sản xuất và đời sống, chính sách về giáo dục, y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn...đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện từng bước được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 36,1% (Số liệu 6 tháng đầu năm 2013).

Bắc Yên có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh. Với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội không ngừng được mở rộng, phát triển đã và đang tác động đến xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung, cho nên trong những năm qua, khu vực phòng thủ huyện được tăng cường; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với quốc phòng và an ninh; lực lượng vũ trang thường xuyên luyện tập sẵn sàng chiến đấu; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Đảng bộ huyện chú trọng chỉ đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương; củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang có phẩm chất chính trị vững vàng; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng, an ninh, huấn luyện quân sự đạt kết quả, xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Các kế hoạch tác chiến thường xuyên được bổ sung. Rà soát, củng cố lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên. Tổ chức tốt các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập phòng chống lũ bão - tìm kiếm cứu nạn ...;Công tác tuyển quân hằng năm đủ chỉ tiêu, đảm bảo chất lượng.      

Công tác an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững; kịp thời quán triệt, nghiêm túc thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; xây dựng được nhiều điểm sáng về an ninh trật tự, tổ an ninh nhân dân được kiện toàn. Đảm bảo an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị lớn diễn ra tại huyện. Nắm vững tình hình hoạt động của người nước ngoài vào địa bàn, công tác an ninh chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hoá được củng cố. Thường xuyên mở các đợt truy quét các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; trật tự an toàn xã hội được giữ vững, kiềm chế và giảm thiểu được tội phạm trên địa bàn. Tổ chức quán triệt thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các cơ quan tư pháp thực hiện tốt công tác phối hợp phòng, chống tham nhũng; tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra theo chuyên đề, theo dấu hiệu vi phạm, tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.    

Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Bắc Yên luôn được ổn định và giữ vững; chủ động phòng ngừa, tăng cường các biện pháp giải quyết các vụ việc nảy sinh ngay từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng. Duy trì phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có chuyển biến tích cực, nhất là về phòng chống ma tuý, kiềm chế tai nạn giao thông. Tình trạng di dịch cư tự do, truyền học đạo trái phép giảm. Các vụ việc trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội được giải quyết kịp thời đem lại sự bình yên trong nhân dân, tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, kế thừa những thành tựu đã đạt được trong gần 50 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đảng, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; tăng cường đoàn kết nội bộ, thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình; tích cực chỉ đạo công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Các cấp uỷ đảng, các ngành, các cấp tập trung nghiên cứu quán triệt và cụ thể hoá, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh uỷ. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Ban Thường vụ huyện uỷ đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, xây dựng, ban hành các chương trình hành động để cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; hàng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đều ra nghị quyết để lãnh đạo toàn diện các mặt công tác của Đảng bộ, làm cơ sở cho chính quyền thể chế hoá thành các cơ chế chính sách; định hướng trọng tâm công tác cho các đoàn thể chính trị - xã hội. Việc triển khai, cụ thể hoá tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng được các cấp uỷ lãnh đạo chặt chẽ, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, nhanh chóng đi vào cuộc sống, được đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, tích cực thực hiện

Với mục tiêu thực hiện tốt nhiệm vụ then chốt - xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trọng tâm là củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Trong quá trình lãnh đạo, đảng bộ huyện luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm của các tổ chức đảng và toàn bộ hệ thống chính trị. Mở rộng nhiều hình thức, đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị; đội ngũ cán bộ, đảng viên được bồi dưỡng có hệ thống về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; số lớp học, học viên tăng hằng năm. Đổi mới việc quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; tổ chức sơ kết, tổng kết tạo sự đồng thuận về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Công tác tuyên truyền có chuyển biến tích cực, góp phần giáo dục truyền thống, ý thức cảnh giác cách mạng, nâng cao nhận thức, lòng tin của nhân dân vào đường lối đổi mới, tạo sự nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, làm thất bại âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, chế độ. Lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, đã đi vào chiều sâu chất lượng và hiệu quả, tạo sức lan toả rộng lớn. Đây được coi là giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm xây dựng nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng nền tảng đạo đức, tinh thần cho xã hội, là động lực đưa đất nước ta phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Qua quá trình triển khai thực hiện, Đảng bộ huyện đã đạt được một số kết quả bước đầu, góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

 Trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, thực hiện đúng các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, thường xuyên rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của cấp uỷ, của Đảng bộ, trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, gắn với xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hệ thống chính trị cơ sở; thực hiện tốt việc sắp xếp bộ máy tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước từ huyện tới cơ sở. Chú trọng thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ; quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bố trí, sử dụng, khen thưởng, chính sách cán bộ; làm tốt công tác phát triển đảng viên, quan tâm phát triển đảng viên nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số; gắn với xây dựng, củng cố tổ chức đảng. Hiện nay, Đảng bộ huyện có 70 tổ chức cơ sở đảng, gồm 52 chi bộ và 18 đảng bộ trực thuộc huyện ủy, 230 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở gồm: 130 chi bộ bản, tiểu khu và 08 chi bộ cụm bản, 03 chi bộ quân sự xã, 16 chi bộ cơ quan xã, thị trấn; 52 chi bộ trường học và 14 chi bộ trạm y tế; 7 chi bộ lực lượng vũ trang (Công an, Quân sự) với tổng số 3.616 đảng viên. Công tác cán bộ được thực hiện đúng quy định, quy trình, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ; đánh giá cán bộ theo quy trình chặt chẽ, dần đi vào nền nếp; công tác quy hoạch cán bộ được triển khai theo phương châm “động” và “mở”, tạo tính chủ động trong công tác cán bộ. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng học vấn, chuyên môn, chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, trên cơ sở kết quả đánh giá cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị, gắn với công tác quy hoạch cán bộ; khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ rèn luyện, phát huy năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm; kịp thời bổ sung, rà soát, thẩm tra hồ sơ, lịch sử chính trị của cán bộ, đảng viên trước khi kết nạp, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Thực hiện đúng quy trình đánh giá, phân xếp loại tổ chức đảng và đảng viên hằng năm.      

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm; nhất là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị. Điều lệ Đảng, Nghị quyết, chỉ thị của Đảng... Các cấp uỷ, Uỷ ban Kiểm tra huyện uỷ tiến hành nghiêm túc công tác thi hành kỷ luật trong Đảng, do làm tốt quy trình kỷ luật nên không có tổ chức đảng và đảng viên khiếu nại về kỷ luật Đảng. Tiến hành giám sát thường xuyên, chuyên đề theo kế hoạch; tiếp nhận, kịp thời giải quyết đơn tố cáo đảng viên. Củng cố, kiện toàn uỷ ban kiểm tra và bộ máy giúp việc; lãnh đạo uỷ ban kiểm tra cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, chất lượng kiểm tra được nâng lên; do đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nên số tổ chức đảng, đảng viên vi phạm có chiều hướng giảm. Qua đó giúp các cấp uỷ, chính quyền tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bổ sung các quy chế, quy định để quản lý chặt chẽ những lĩnh vực thường có vi phạm; giúp cho đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác, chú trọng rèn luyện đạo đức, lối sống, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng.   

 Quan tâm đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị. Phân công rõ trách nhiệm của cấp uỷ và cán bộ, đảng viên; gương mẫu thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, sinh hoạt nơi cư trú và vận động quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị. Công tác dân vận chính quyền có nhiều chuyển biến, nhất là công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Lực lượng vũ trang tăng cường bám nắm, chủ động giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở. Tăng cường công tác nắm tình hình cơ sở, tuyên truyền, vận động nhân dân không không di dịch cư tự do, không học đạo trái phép, không phát rừng làm nương, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, quy ước, hương ước bản, tiểu khu, xây dựng nếp sống văn hoá, bản làng phát triển toàn diện. Tập trung vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách đoàn kết các dân tộc, 100% bản, tiểu khu xây dựng, thực hiện tốt quy ước, hương ước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, cơ sở.  

Cùng với công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Ban Chấp hành đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị các cấp từng bước được củng cố, sắp xếp, kiện toàn theo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương, tỉnh và phù hợp với tình hình thực tế của huyện. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, đảng bộ được nâng lên; vai trò quản lý, điều hành của chính quyền có nhiều tiến bộ; công tác dân vận được tăng cường, vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được phát huy, nội dung, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả; phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân - Uỷ ban nhân dân, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh cùng với sự quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, nắm chắc thời cơ, khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Yên quyết tâm đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, phấn đấu trở thành huyện đạt khá trong tỉnh
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập