Di tích Hang Vợ Chồng A Phủ: Miền đất, con người và những truyền thống tốt đẹp của xã Hồng Ngài anh hùng
Lượt xem: 44

Xã Hồng Ngài nằm ở phía Nam của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, cách trung tâm huyện lỵ Bắc Yên trên 8 km. Phía Bắc giáp Thị trấn Bắc Yên và xã Phiêng Ban. Phía Tây giáp xã Song Pe huyện Bắc Yên. Phía Nam giáp xã Đá Đỏ. Phía Đông giáp xã Sập Sa và xã Suối Bau huyện Phù Yên.

Trước khi thành lập, Hồng Ngài là một vùng đất thuộc xã  Phiêng Ban, một vùng đất thuộc địa phận xã Tường – Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ. Hồng Ngài hiện nay được hình thành từ sự tách chuyển địa giới các xã Phiêng Ban huyện Bắc Yên và xã Sập Sa huyện Phù Yên, gồm có khu vực đồng bào Mông, khu vực các bản người Thái xã Phiêng Ban và một bộ phận đồng bào Thái, Mường bản Giàng xã Sập Sa huyện Phù Yên.

Vào những năm 1960 đến 1970, nhiều hộ dân tại các xã vùng cao của huyện chủ yếu từ các xã Tà Xùa, Hang Chú ồ ạt di cư sang các khu vực vùng rừng núi của xã Phiêng Ban huyện Bắc Yên sinh sống, dần hình thành nên một số bản mới, đây là cơ sở để tách địa giới xã Phiêng Ban thành lập xã Hồng Ngài vào ngày 16/01/1979, theo Quyết định số 18-CP của Hội đồng Chính phủ, khi mới thành lập xã có 8 bản trên 1.200 nhân khẩu, qua nhiều lần thay đổi, sáp nhập, đến nay toàn xã có 5 bản, 852 hộ 4.737 nhân khẩu.

Là một xã vùng ba của huyện, có diện tích tự nhiên là 5.645ha, điều kiện tự nhiên không có nhiều thuận lợi, địa hình tương đối phức tạp, có độ chênh cao và độ dốc lớn, độ cao trung bình so với mặt nước biển trên 800 m, nơi thấp nhất là 120m, nơi cao nhất là 1.187m. Khí hậu, thời tiết mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng núi, chia làm hai mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa. Đất đai, thổ nhưỡng tương đối đa dạng, có đến 05 loại đất như đất nâu đỏ trên đá mácma, đất đỏ vàng trên đá biến chất, đất Feralit mùn đỏ nâu trên đá vôi, thuận lợi để phát triển chăn nuôi, trồng trọt và phát triển các ngành nghề khác. Hệ thống sông, suối ở Hồng Ngài rất phong phú, có lưu lượng nước rất lớn, tốc độ dòng chảy mạnh, tạo nguồn nước để làm thủy diện, làm thủy lợi cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới phục vụ phát triển nuôi trồng thuỷ sản và trồng trọt, chăn nuôi.

anh tin bai

Người dân, du khách thăm quan di tích Hang Vợ Chồng A Phủ

 

Nguồn tài nguyên của Hồng Ngài gồm có tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và tài nguyên khoáng sản, đây là nguồn tài nguyên quý có tiềm năng to lớn để Hồng Ngài phát triển kinh tế xã hội, phát triển một số ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, du lịch, chế biến nông sản, sản xuất kinh doanh, sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng, một số nghề truyền thống, đặc biệt là phát triển sản xuất lâm nghiệp, phát triển rừng phòng hộ. Hồng Ngài có vị trí rất quan trọng về an ninh, quốc phòng, có điều kiện tiếp cận và mở rộng giao lưu với các vùng trong và ngoài huyện. Nằm cách trung tâm huyện lỵ không xa, trên 8km, giao thông đi lại rất thuận tiện, có các tuyến đường liên xã từ Quốc lộ 37 nối Thị trấn Bắc Yên với xã. Hạ tầng cơ sở từng bước được nhà nước đầu tư, hiện toàn xã có 4 tuyến mương thủy lợi đã được bê tông hóa, tổng chiều dài 4,92km, tại 4 bản là bản Đung, bản Giàng, bản Hồng Ngài và bản Suối Háo. Có 05 công trình nước sinh hoạt cấp nước sinh hoạt cho 260 hộ dân của 5 bản. Có 10,36km đường 35KWV và 10,58km đường 04KV, điện lưới quốc gia, có 03 trạm biến áp cung cấp điện sinh hoạt cho 86,7 % hộ trên toàn xã. Có trạm bưu điện văn hóa xã, có sóng điện thoại di động phủ tới tất cả các bản. Có 03 trường học với 42 phòng học, nhà làm việc được kiên cố hóa. Có nhà trạm y tế, 5 giường bệnh được kiên cố hóa, 5/5 bản có nhà văn hóa bản và các công trình phúc lợi khác.

Hồng Ngài có 5 dân tộc cùng chung sống, gồm dân tộc Mông, Thái, Mường, Kinh, Dao, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 80% dân số. Đồng bào các dân tộc trong xã Hồng Ngài cư trú xen kẽ tập trung thành bản. Dân cư phân bố đa dạng, mật độ dân số không đồng đều. Là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời nên con người ở Hồng Ngài có những đức tính tốt đẹp, đáng trân trọng, sống đoàn kết, gắn bó cùng nhau xây dựng nên những truyền thống văn hóa tốt đẹp, lưu truyền qua nhiều thế hệ và ngày càng được hun đúc làm giàu thêm các giá trị. Các dân tộc ở Hồng Ngài đều xây dựng cho mình những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời lưu truyền cho các thế hệ đi sau, tạo nên bản sắc của dân tộc, đồng thời phát huy, giao thoa với các giá trị truyền thống của các dân tộc khác trong quá trình cùng chung sống trên địa bàn xã.

anh tin bai

Biểu diễn múa khèn Mông dưới chân Hang Vợ Chồng A Phủ

 

Dân tộc Mông ở Hồng Ngài có phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông, đó là có tinh thần tự lực cánh sinh, siêng năng, cần cù và sáng tạo trong lao động, có kinh nghiệm chăn nuôi, giỏi về kỹ thuật mộc và rèn đúc làm lưỡi cày, dao, cuốc… kỹ thuật tôi thép khá hoàn hảo, nghề mộc thể hiện khả năng khéo léo trong việc ghép gỗ tạo thành thùng lấy nước, chứa nước, đẽo gọt gỗ làm trõ xôi, làm bát, muôi, thìa… Phụ nữ Mông tự trồng lanh dệt vải,  họ rất khéo tay, giỏi về kỹ thuật nhuộm vải, may vá, thêu thùa, có khả năng tạo hình, hoa văn rực rỡ trên vải và trang phục áo váy… Người Mông ở Hồng Ngài có đời sống văn hoá tinh thần phong phú, sinh hoạt văn hoá người của họ thường gắn với nội dung tín ngưỡng, sống đoàn kết, có ý thức bảo tồn truyền thống văn hoá, mọi người luôn giữ gìn truyền thống văn hoá của dân tộc mình, luôn tự tôn dân tộc và tự tôn dòng họ, tạo nên ý thức cộng đồng mạnh mẽ.

Dân tộc Thái ở Hồng Ngài, chủ yếu là người Thái Trắng, sống xen kẽ với người Mường, kinh tế, văn hóa gắn liền với sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước, người dân ở đây rất thành thục về cách khai hoang ruộng bậc thang, đắp phai, khơi mương để lấy nước làm ruộng bậc thang trồng cấy lúa nước. Người Thái ở Hồng Ngài cũng rất giỏi làm nương rẫy trồng lúa nương và các loại cây hoa màu, cây ăn quả, cây bông, có kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm. Người Thái ở Hồng Ngài có những phẩm chất tốt đẹp, họ giỏi trong trồng trọt, chăn nuôi, nam giới giỏi đan lát, chài lưới, săn bắn, rèn đúc nên các vật dụng phục vụ cuộc sống gia đình và các công cụ lao động như bung, ếp, sọt, ghế mây, dao, cuốc; nữ giới giỏi quay tơ, dệt vải, đặc biệt phụ nữ dân tộc Thái rất chăm chỉ, khéo léo, đoan trang, có đôi bàn tay khéo léo và khả năng thẩm mỹ nên rất giỏi dệt vải, may vá, làm chăn đệm. Các bản dân tộc Thái ở Hồng Ngài bảo tồn được các giá trị văn hóa, các phong tục đẹp của dân tộc Thái vùng Tây Bắc, giữ gìn các giá trị nhân sinh, truyền thống nên đời sống văn hoá của họ mang đậm nét truyền thống văn hoá của dân tộc, đời sống văn hoá tinh thần của họ phong phú luôn gắn với thiên nhiên, với bản mường, họ cần cù lao động, sống hoà thuận trong gia đình, trong cộng đồng bản mường với nhau, gắn bó, chia sẻ vui buồn cùng nhau, thích ca hát, thích khắp, múa, ném còn…có ý thức truyền dạy cho các thế hệ con cháu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Người Mường ở Hồng Ngài có dân số rất nhỏ, sống xen ghép với các bản người Thái. Đàn ông rất khéo tay, rất giỏi đan lát, phụ nữ cũng rất giỏi thêu thùa, ươm tơ, dệt vải. Trang phục của người Mường đơn giản nhưng cũng rất đẹp, nam giới thường mang trang phục áo cánh màu chàm, nữ giới mặc váy, mặc yếm và áo cánh ngắn thân có xẻ ngực hoặc xẻ ở vai, ít cài cúc và đội khăn hình chữ nhật màu trắng. Người Mường ở nhà sàn và trồng lúa nước, họ giỏi về kỹ thuật trồng lúa nước, họ cũng giỏi dệt vải, đan lát, phong tục tập quán trong cưới hỏi, ma chay của người Mường có nhiều nét tương đồng với người Kinh. Người Mường có nhiều lễ hội diễn ra quanh năm, họ có nền văn học dân gian tương đối phong phú. Nhạc cụ có nhiều thứ như Sáo, Nhị, Khèn lù…Cồng là thứ nhạc cụ đặc sắc của họ. Sinh hoạt văn hoá của người Mường cũng đa dạng với những điệu múa, biểu diễn ca hát và trò chơi dân gian độc đáo. Người Mường ở Hồng Ngài có đời sống tinh thần phong phú, họ sống cởi mở, yêu đời, lạc quan, thích ca múa, thích sinh hoạt theo cộng đồng, thuộc nhiều ca dao tục ngữ, am hiểu văn hóa dân gian, có ý thức bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống.

Người Kinh và Người Dao ở Hồng Ngài, chiếm khoảng 01% dân số toàn xã, chủ yếu sống xen với các bản người Thái, người Mường và khu trung tâm xã, họ là những hộ di cư từ các tỉnh, thành phố miền xuôi và các địa phương lân cận đến sinh sống, làm ăn, buôn bán hoặc đến làm việc tại các cơ quan của xã, vì thế sự gắn bó trong cộng đồng không chặt chẽ, họ mang theo những nét văn hoá và phong tục cũng như cách làm ăn từ nhiều địa phương đến Hồng Ngài tạo nên sự phong phú về văn hóa, về đời sống tinh thần và cách thức sản xuất.

Các dân tộc sống ở Hồng Ngài có tín ngưỡng dân gian thờ cúng ông bà, tổ tiên, thờ cúng trời đất và các vị thần… việc thờ cúng tổ tiên, tế lễ trời đất thể hiện rất phong phú thông qua những hình thức lễ hội khác nhau, tạo thành giá trị văn hoá và chi phối đời sống tinh thần của nhân dân.

Đồng bào các dân tộc trong xã Hồng Ngài đều cần cù, chịu khó và sáng tạo trong lao động, có đời sống tinh thần phong phú, sống trung thực, chất phát, hồn hậu và mến trọng yêu thương con người, yêu quê hương đất nước, kiên cường đấu tranh chống thiên tai, địch họa, anh dũng, bất khuất trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương xứ sở. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đang xoá dần những lạc hậu tồn tại lâu đời, truyền thống văn hoá tốt đẹp đang có điều kiện được gìn giữ phát huy và tiếp thu những tinh hoa văn hoá tiến bộ để làm giàu hơn nền văn hoá của các dân tộc ở Hồng Ngài, kinh tế xã hội đã và đang phát triển mạnh về mọi mặt, từng bước đưa Hồng Ngài vươn tới giàu mạnh hạnh phúc, dân chủ và văn minh.


Tác giả: CTV Vũ Công Thành (Bí thư Đảng ủy xã Hồng Ngài)
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập