Bắc Yên triển khai tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Lượt xem: 116
Bắc Yên là huyện vùng cao, có 99 bản, tiểu khu, với 14.617 hộ dân, hơn 73.000 nhân khẩu. Huyện có 07 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 95%. Những năm qua, huyện Bắc Yên luôn chú trọng quan tâm triển khai tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, làm cho đời sống người dân ngày càng cải thiện.

Là huyện vùng cao, độ dốc lớn, trước đây đời sống của bà con nhân dân còn nhiều khó khăn. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cấp ủy, chính quyền huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhất là triển khai các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân.

Ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng Phòng dân tộc huyện chia sẻ: "Trong những năm qua, Phòng Dân tộc đã phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu cho UBND huyện phân bổ vốn cho các cơ quan theo lĩnh vực chuyên môn phụ trách triển khai hỗ trợ nhân dân để thực hiện các nội dung mà theo Quyết định 1719 giao, bao gồm có 10 dự án: Đầu tư về cơ sở hạ tầng, xây dựng đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, chợ cho các xã vùng III và các bản đặc biệt khó khăn, tu sửa hệ thống giao thông. Ngoài ra còn triển khai thêm một số nội dung như: Hỗ trợ máy móc nông cụ, hỗ trợ téc chứa nước sinh hoạt cho các hộ ở phân tán cho các hộ nghèo của đồng bào DTTS".

Các nguồn vốn chương trình chính sách của Trung ương, của tỉnh được huyện Bắc Yên triển khai đồng bộ. Tổng nguồn vốn theo 03 Chương trình MTQG được tỉnh phân bổ cho huyện là 345 tỷ 622 triệu đồng. Từ đó huyện đã triển khai tổ chức mở 18 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 580 người tại 13 xã theo chương trình Mục tiêu Quốc gia năm 2022, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, hướng nghiệp từ 40,3% lên 49,5% năm 2023. Hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 25,4%. Tập trung triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã, trong đó: Đầu tư 08 nhà văn hóa bản, 13 tuyến đường bê tông, 02 công trình thủy lợi; 01 công trình cầu treo; hỗ trợ thiết bị cho nhà văn hóa 09 xã, 42 bản.

anh tin bai

Đường giao thông nông thôn được đầu tư ở các bản vùng cao

 

Cùng với đó, năm 2023, huyện đã huy động nguồn lực xóa nhà tạm cho 318 hộ, hoàn thành Đề án xóa nhà tạm cho hộ nghèo giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện trước thời hạn. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu cho người nghèo cơ bản được đáp ứng, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 4%/năm. Đến nay, toàn huyện có 02 xã Mường Khoa, Phiêng Ban được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn huyện đạt 9,8 tiêu chí/xã trong xây dựng NTM.

anh tin bai

Huyện Bắc Yên hoàn thành chương trình xóa nhà tạm năm 2023

 

Nhờ có các Chương trình MTQG đầu tư và hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cơ cấu kinh tế của huyện có nhiều chuyển biến tích cực; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng, hình thành các vùng nông sản hàng hóa tập trung có chất lượng, với nhiều sản phẩm phong phú.

Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Từ năm 2019-2023 huyện đã trồng được 231 ha chè Shan tuyết, 303 ha sa nhân, thảo quả và gần 1.800 ha cây ăn quả. Về công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật và quản lý chất lượng, xây dựng sản phẩm OCOP: Trong 5 năm (2019 – 2023) tổ chức được 276 lớp, với 9.614 lượt người tham gia. Phối hợp kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại 50 lượt cơ sở; thẩm định và cấp Giấy chứng nhận ATTP cho 18 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm thủy sản. Đến nay toàn huyện có 11 sản phẩm tại tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 3 sản phẩm 4 sao và 8 sản phẩm 3 sao”.

Cùng với các chương trình chính sách hỗ trợ cho nhân dân vùng khó khăn, tại các xã vùng cao đã tập trung phát triển cây chè, táo Sơn tra và sản xuất lúa ruộng bậc thang; các xã vùng thấp của huyện tập trung phát triển trồng cây ăn quả có giá trị như xoài, nhãn đủ điều kiện xuất khẩu, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi gia súc để thay thế cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc.

Đồng chí Đặng Văn An, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sại cho biết: "Những năm qua, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xã Chiềng Sại đã xác định vùng lòng hồ sông Đà là những vùng có thu nhập từ kinh tế. Thứ nhất là đánh bắt thủy sản ở vùng lòng hồ sông Đà. Thứ 2 là về tiềm năng phát triển thì đây là địa điểm mà vận chuyển hàng hóa về xuôi, từ đó xã xác định phát triển vùng cây ăn quả trên đất dốc. Đến thời điểm này xã Chiềng Sại có trên 500 ha cây ăn quả gồm xoài, nhãn. Vừa qua cũng đã triển khai mô hình kinh tế theo mô hình mới như trồng Dứa cho Công ty Doveco Sơn La. Thứ 2 là xã đã triển khai trồng mía nguyên liệu cho Công ty mía đường Sơn La, năm 2023 đã phát triển trồng được 140 ha".

anh tin bai

Kết cấu hạ tầng khu trung tâm một số xã được đầu tư đồng bộ

 

Với những chính sách phù hợp cho người dân, đến nay kinh tế - xã hội ở các xã trên địa bàn huyện Bắc Yên có bước phát triển khá, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Lĩnh vực văn hóa – xã hội ở vùng khó khăn trên địa bàn huyện cũng có những chuyển biến tích cực; cơ sở, vật chất phục vụ giáo dục – đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm đầu tư.

Bằng các chủ trương chính sách được triển khai đúng hướng, bà con nhân dân các dân tộc của huyện Bắc Yên luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền địa phương, nỗ lực phấn đấu tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, tích cực lao động sản xuất, góp sức vào sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương.


Tác giả: Hạng Chờ La (Trung tâm TT-VH Bắc Yên)
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập