Tạ Khoa phát triển phong trào chăn nuôi ​
Lượt xem: 156
Những năm gần đây, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cấp ủy, chính quyền xã Tạ Khoa đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trên địa bàn xã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Từ đó, giúp người dân tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống tại địa phương.

Ông Đinh Văn Khiếm, Phó Chủ tịch UBND xã Tạ Khoa cho biết: “Bên cạnh việc nuôi thí điểm các mô hình con vật nuôi có giá trị kinh tế cao, vật nuôi lạ thì chúng tôi vẫn tuyên truyền cho người dân là phải tăng cường chăn nuôi để duy trì đàn gia súc, gia cầm truyền thống vốn có. Đến thời điểm hiện tại, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã hơn 4.000 con. Trong thời gian tới, xã cũng thường xuyên tuyên truyền, triển khai cho người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, như là tiêm phòng dịch đầy đủ cũng như là phòng chống đói rét cho gia súc, gia cầm khi mùa đông đến để duy trì đàn gia súc gia cầm hiện có, đồng thời là phát triển thêm”.

anh tin bai

Mô hình nuôi nhím tại bản Nhạn Nọc, xã Tạ Khoa

 

Anh Lừ Văn Khoan, ở bản Tân Tiến, xã Tạ Khoa, là một trong những gương tiêu biểu thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất nông, lâm nghiệp của xã. Từ năm 2020, anh Lừ Văn Khoan đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh huyện Bắc Yên 200 triệu đồng, vay vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện 150 triệu đồng cùng vốn tích góp của gia đình để đầu tư mô hình trang trại chăn nuôi dê nhốt chuồng với tổng vốn đầu tư hơn 500 triệu đồng. Đồng thời, gia đình anh mua lưới thép về quây 500m2 đất đồi bạc màu để trồng cỏ, trồng chuối cung cấp đủ thức ăn cho mô hình nuôi dê. Đến nay, mô hình nuôi dê nhốt chuồng của gia đình anh Khoan dao động từ 60-100 con dê. Mỗi năm, gia đình anh xuất bán từ 50-60 con dê thịt để trang trải cuộc sống.

anh tin bai

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng của gia đình anh Lừ Văn Khoan, bản Tân Tiến, xã Tạ Khoa

 

 Anh Lừ Văn Khoan, ở bản Tân Tiến, xã Tạ Khoa chia sẻ: “Thực hiện mô hình nuôi dê từ năm 2020, trong quá trình nuôi dê ban đầu thì cũng do kinh nghiệm nuôi dê chưa có, kinh nghiệm còn ít nên ban đầu cũng thất thu và chết dịch nhiều. Qua quá trình tìm tòi từ mạng internet, đến nay cũng nuôi được 4 năm rồi thì đàn dê cũng phát triển tốt. Với một việc nhỏ phát triển kinh tế như vậy cũng rất mong sẽ tạo đà, động lực cho nhiều đoàn viên thanh niên khác và lực lượng trẻ khác để có mô hình nuôi đê, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau phát triển. Thứ hai nữa là đã nuôi thành mô hình phát triển thì mong rằng đầu ra sẽ ổn định hơn”.

Trước năm 2021, gia đình ông Hà Văn Lóng, ở bản Tân Cuông, xã Tạ Khoa, Bắc Yên, Sơn La chủ yếu trồng ngô, trồng sắn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức truyền thống, tuy nhiên, do đất sản xuất có độ dốc lớn, bạc màu, năng suất thấp; gia súc, gia cầm thường xuyên có dịch bệnh, giá cả thị trường không ổn định. Ông luôn đau đáu suy nghĩ phải chuyển đổi trồng cây gì và nuôi thêm con gì để có thể phát triển kinh tế một cách bền vững. Đến năm 2022, cấp ủy, chính quyền xã Tạ Khoa tạo điều kiện cho một số hộ nông dân đi học tập kinh nghiệm mô hình nuôi dúi ở huyện Mai Sơn, may mắn ông Hà Văn Lóng được tham gia.

Ông Hà Văn Lóng, bản Tân Cuông, xã Tạ Khoa tâm sự: “Sau khi đi thăm mô hình về gia đình bắt đầu triển khai nuôi, ban đầu mua giống là 5 đôi; từ năm 2022-2024, thấy cũng rất dễ nuôi, thức ăn thì cũng chỉ tranh thủ lấy về. Từ năm 2022 đến nay cũng đã có sản phẩm bán, có thu nhập cho gia đình. Thời gian tới, gia đình cũng sẽ nhân rộng mô nình này ra, đồng thời tuyên truyền cho bà con nhân dân vì con dúi này nó dễ nuôi, không có dịch bệnh gì”.

Cũng là hộ lựa chọn mô hình nuôi dúi, năm 2023, gia đình ông Đinh Văn Sin, ở bản Nhạn Nọc, xã Tạ Khoa đã đầu tư 50 triệu đồng để làm chuồng trại, mua giống dúi má đào về nuôi. Đến nay, nhờ được chăm sóc cẩn thận nên đàn dúi của gia đình ông Sin phát triển tốt. Ông Sin chia sẻ: Những con dúi con phát triển tốt khoảng 7 - 8 tháng là có thể sinh sản. Mỗi năm dúi sinh sản khoảng 3 - 4 lứa, mỗi lứa từ 4 - 5 con. Dúi non khoảng 1 - 2 tháng tuổi là có thể đem bán làm con giống. Những con dúi thương phẩm sau 5 - 6 tháng tuổi có thể đạt trọng lượng trên 2kg. Hiện nay, dúi thương phẩm được bán với giá từ 800.000 - 1.200.000 đồng/kg; dúi giống có giá dao động từ 3 triệu đến 6 triệu đồng/cặp tùy vào tháng tuổi. Hiện nay, gia đình ông Sin đang nuôi thí điểm và gây thêm giống, mở rộng thêm chuồng trại để phát triển đàn dúi.

anh tin bai

Mô hình nuôi dúi của ông Đinh Văn Sin bản Nhạn Nọc, xã Tạ Khoa

 

Ông Đinh Văn Sin, bản Nhạn Nọc, xã Tạ Khoa cho biết: “Tôi xem trên mạng thấy họ nuôi dúi má đào này cũng hay hay nên tôi bắt đầu nuôi thử. Từ tháng 3/2023 đến nay cũng được hơn một năm, tôi thấy dúi phát triển và lớn rất nhanh. Sang năm, tôi sẽ phát triển, đầu tư, mở rộng ra thêm nữa. Tôi cũng có tuổi rồi thì đầu tư nuôi con dúi này ở nhà. Ở dưới trại, mua giống với họ thì họ bao tiêu sản phẩm cho với giá là 1.200.000 đồng/kg, có bao nhiêu mang xuống trại họ lấy lại cho”.

Bên cạnh đó, hiện nay xã Tạ Khoa đang duy trì và phát triển ổn định một số mô hình chăn nuôi trâu, bò thành gia trại, trang trại tại bản Nhạn Nọc; mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà tại bản Sập Việt và bản Tà Đò... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể thấy, từ việc phát triển chăn nuôi hiệu quả đã góp phần giảm dần tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Tạ Khoa; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, đời sống của nhân dân ngày càng ổn định./.


Tác giả: Mùa Lầu (Trung tâm TT-VH Bắc Yên)
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập