Trà xanh mây Tà Xùa hướng tới sản phẩm OCOP 5 sao
Lượt xem: 619
Bắc Yên, vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, nổi tiếng với những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cùng nhiều sản vật của núi rừng, như: Sơn tra, măng trúc, thảo quả... Những tiềm năng, lợi thế trên đã thu hút các HTX, doanh nghiệp tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tạo nên những thương hiệu đặc trưng, nổi bật trong danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La. Trong đó có sản phẩm Trà xanh mây đang được tỉnh Sơn La định hướng xây dựng thành sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Nằm ở độ cao trên 1.500 mét so với mặt nước biển, độ ẩm không khí cao, chè Tà Xùa mang hương vị đặc trưng, riêng có. Tà Xùa có khoảng 200 ha chè shan tuyết; trong đó có trên 1.500 cây chè cổ thụ được từng hộ gia đình gìn giữ, chăm sóc, được hướng dẫn kỹ thuật chăm tự nhiên, không phun thuốc hay dùng phân hóa học để bón cho cây, mà chỉ phát dọn thực bì quanh gốc tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp và thu hái đúng kỹ thuật. Nhờ đó, cây được phục hồi, xanh tốt, cho năng suất và chất lượng cao.

Ông Đinh Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên cho biết: “Với Tà Xùa thì cây chè là cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo cho bà con. Cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc mở rộng diện tích cây chè; nâng cao năng suất, chất lượng cây chè Tà Xùa; đồng thời, bảo tồn cây chè cổ thụ để quảng bá được nhiều hơn nữa thương hiệu cây chè Tà Xùa”.

anh tin bai

Người dân xã Tà Xùa thu hái chè

anh tin bai


Năm 2019, 200 cây chè cổ thụ từ hơn 100 đến gần 300 năm tuổi ở Tà Xùa đã được Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận quần thể cây di sản. Cũng thời điểm này, Cục sở hữu trí tuệ đã công nhận nhãn hiệu Tập thể đối với chè Tà Xùa và công bố cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu Chè Tà Xùa đối với Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc – đơn vị sáng lập và phát triển thương hiệu Trà Shan nam (Trà Shan tuyết cổ thụ Việt Nam). Từ đó, được người dân ở xã Tà Xùa coi cây chè là tài sản vô giá mà ông cha để lại; coi những búp chè xanh tươi là món quà của thiên nhiên và hương vị của chè là tinh hoa của núi rừng. Nghề trồng chè, thu hái và sao chè cũng ra đời từ đó và trở thành sinh kế của nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông nơi đây. 

Ông Phàng A Vàng, ở bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên cho biết: “Từ khi mình sinh ra đã có cây chè rồi. Vùng cao thế này, trồng sắn không ăn thua, ngô cũng không hợp, chỉ có cây chè có giá thì thu nhập 1 triệu từ tháng 2 đến tháng 3, tháng 4 thì 3 trăm, giúp cho bà con có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”.

anh tin bai

Một số sản phẩm trà của Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc

 

Những năm trở lại đây, hầu hết sản lượng chè shan tuyết cổ thụ của xã Tà Xùa được Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc thu mua để sản xuất thành các sản phẩm như: trà viên, trà trúc, trà mây và trà túi lọc... đáp ứng nhu cầu, sở thích của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đặc biệt, 3 sản phẩm của Công ty đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La đó là: Trà xanh Mây, Trà xanh Thiện và Bạch trà mây.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc cho biết: “Công ty đặt trụ sở tại Tà Xùa và liên kết với bà con thông qua HTX nông nghiệp và chè Tà Xùa. Năm 2022, công ty đã thu mua 50 tấn chè búp tươi, giá bình quân 75.000/kg chè tươi; chế biến thành 10 tấn trà khô các loại từ trà xanh đến bạch trà, trà bánh… Hiện thị trường tiêu thụ chính là các thành phố lớn, các kênh thương mại điện tử, phòng trà, đại lý; và năm 2023 công ty sẽ đưa sản phẩm ra nước ngoài, xuất khẩu với thương hiệu riêng đó là trà shanam - trà shan tuyết cổ thụ Việt Nam”.

anh tin bai

Trà xanh mây Tà Xùa được ép thành bánh trà xanh – Sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh

 

Là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, Trà xanh mây cũng là một trong những sản phẩm chủ lực được tỉnh Sơn La định hướng xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Huyện Bắc Yên đã tích cực triển khai các giải pháp, tăng cường xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ và nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng; nâng cao giá trị của sản phẩm, tạo thêm việc làm, nguồn thu cho người dân. Đặc biệt, huyện Bắc Yên đã xây dựng đề án “phục tráng vùng chè shan tuyết Tà Xùa”, đồng thời, tích cực thu hút các doanh nghiệp, HTX sản xuất chè và xây dựng các sản phẩm OCOP; sử dụng nguồn lực của huyện hỗ trợ bà con xây dựng chuỗi liên kết về giá trị.

Bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết: “Thu hút các doanh nghiệp HTX thực sự quan tâm đến ngành chè, rồi mở rộng ngành chè không những trong tỉnh rồi mở rộng ra trong nước và quốc tế. Định hướng cho người dân  tiếp tục quan tâm chăm sóc duy trì các diện tích hiện có và nguồn lực của huyện cũng đã hỗ trợ bà con, xây dựng các chuỗi liên kết về giá trị”.   

Từ một sản phẩm đặc trưng của địa phương, giúp bà con vùng cao quên đi cái đói lúc giáp hạt, đã mở ra một tương lai tương sáng hơn với đồng bào Mông nơi rẻo cao, Chè Tà Xùa đang từng bước xây dựng được thương hiệu trong nước phấn đấu vươn xa trên thị trường quốc tế./.


Tác giả: Hàng A Chớ (Trung tâm TT-VH Bắc Yên)
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập