XÃ HÁNG ĐỒNG
Lượt xem: 3007

I. TỰ NHIÊN – DÂN CƯ

1. Tự nhiên

Háng Đồng là xã vùng cao, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ở phía đông bắc huyện Bắc Yên, độ cao trung bình từ 1.000-1.600 mét so với mặt nước biển. Tọa độ địa lý điểm trung tâm từ 2102322đến 2102527 độ vĩ bắc, từ 10401015đến 10401220độ kinh đông. Tứ cận: Phía đông, đông bắc, đông nam giáp xã Suối Tọ (huyện Phù Yên); phía tây, tây nam giáp xã Xím Vàng; phía nam, tây nam giáp xã Tà Xùa; phía bắc, tây bắc giáp xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). Từ trung tâm huyện Bắc Yên đến Uỷ ban nhân dân xã đi theo đường Tà Xùa - Háng Đồng 32 km.

Tổng diện tích tự nhiên 13.762,69 ha, trong đó đất nông nghiệp 8.883,95 ha (đất SX nông nghiệp 1.344,79 ha, đất lâm nghiệp 7.538,92 ha và một số loại đất khác 0,24 ha), đất phi nông nghiệp 251,60 ha, (đất chuyên dùng 205,45 ha, đất ở 14,11 ha và một số loại đất khác 32,04 ha) đất chưa sử dụng 4.627,14 ha[1]. Đất đai ở Háng Đồng chủ yếu là đất đỏ vàng biến chất (FS), được phân bố chủ yếu trên địa hình đồi núi cao, độ dốc phổ biến từ 20-50o, tầng đất dầy, hàm lượng dinh dưỡng ở mức trung bình đến khá.

Khí hậu Háng Đồng được chia làm hai vùng với hai mùa rõ rệt đó là: Vùng cao có sương mù và thời tiết mát lạnh đặc trưng khí hậu nhiệt đới, mùa đông khô hanh chiếm 50% số tháng trong năm. Vùng thấp có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ bình quân của xã cao hơn vùng thị trấn. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhìn chung khí hậu Háng Đồng, có nhiều thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, sản xuất lâm nghiệp. Nhiệt độ trung bình hàng năm 250C. Thường nóng nhiều vào các tháng 3, 4, 5. Thường lạnh nhiều vào các tháng 10, 11, 12 và tháng 1, 2 năm sau. Thường nắng nhiều vào các tháng 5, 6, 7. Thường mưa nhiều vào các tháng 6, 7, 8, 9. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.500 mm.

Háng Đồng có hệ thống suối khá dày nhưng mật độ không đều, có 5 suối lớn đó là suối Làng Sáng, suối Háng Đồng C, suối Háng Đồng B, suối Háng Đồng A, suối Bẹ và nhiều suối nhỏ khác. Suối là nguồn cung cấp nước phục vụ sản xuất và đời sống, một số con suối có khả năng xây dựng thủy điện. Tuy nhiên do địa hình hiểm trở nên việc khai thác nguồn nước tự nhiên còn hạn chế.

Xã Háng Đồng có núi Phu Sa Phin cao 2.789 m so với mặt nước biển. Rừng ở Háng Đồng chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng với tổng diện tích 7.130 ha, trong đó rừng đặc dụng 6.327,01 ha, rừng phòng hộ 802,99 ha, có trữ lượng gỗ tương đối lớn. Tuy nhiên, diện tích rừng đặc dụng Tà Xùa hiện thuộc địa bàn xã Háng Đồng nhưng thuộc quyền quản lý của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa, có trụ sở tại huyện Phù Yên, do đó khó khăn trong việc phối hợp quản lý, bảo vệ rừng. Độ che phủ của rừng chiếm 54,4%/ tổng diện tích tự nhiên. Ở Háng Đồng có rừng gỗ pơ mu, dổi và nhiều loại cây khác. Có những loài động vật quý hiếm như hoẵng, lợn rừng, cầy hương.

2. Dân cư

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2009, dân số các dân tộc xã Háng Đồng như sau:

TT

Dân tộc

Nam

Nữ

Tổng cộng

  1.  

Kinh

 13

 1

 14

  1.  

Tày

 2

 

 2

  1.  

Thái

 14

 6

 20

  1.  

Mường

 1

 2

 3

  1.  

Mông

1 077

1 016

2 093

  1.  

Dao

 1

 

 1

Tổng cộng

1 108

1 025

2 133

 

 

Đến 31/12/2015 xã Háng Đồng có 6 đơn vị dân cư, 388 hộ, 2.667 nhân khẩu (nam 1.363 người, nữ 1.304 người)[2]:

 

TT

Tên bản

Số hộ

Số nhân khẩu

Cách trung

Tâm xã (km)

1

Bản Làng sáng 

85

606

23

2

Háng Đồng A

63

500

1

3

Háng Đồng B

94

612

1

4

Bản Háng Bla

40

268

13

5

Bản Chống Tra

64

406

11

6

Bản Háng Đồng C

42

275

18

Tổng số

388

2.667

 

 

 

II. KINH TẾ – VĂN HÓA – XÃ HỘI

1. Kinh tế

Tổng diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 531,9 ha, trong đó diện tích cây lương thực có hạt 479,5 ha (lúa ruộng 117,5 ha, lúa nương 329 ha, ngô 33 ha), cây sắn 28,8 ha, dong riềng 16 ha, cây thảo quả 71 ha. Sản lượng lương thực có hạt đạt khoảng 665 tấn/năm, trong đó: lúa đạt 575 tấn, ngô đạt 90 tấn. Tổn diện tích rừng bảo vệ là 7.240,99 ha.

Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã 11.949 con, trong đó đàn trâu 419 con, bò 762 con, ngựa 140 con, dê 651 con, lợn 635 con; tổng đàn gia cầm 4.342 con. Sản phẩm thịt hơi chăn nuôi xuất chuồng đạt 30 tấn/năm.

Háng Đồng còn duy trì được một số nghề truyền thống địa phương như rèn nông cụ, thêu, dệt thổ cẩm phục vụ sinh hoạt gia đình. Chương trình 30a từ năm 2009 đến nay, huyện đã hỗ trợ cho các hộ dân xã Háng Đồng 194 con bò cái sinh sản, với kinh phí hỗ trợ 1.488 triệu đồng; hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở cho 129 hộ, với kinh phí thực hiện 697 triệu đồng; hỗ trợ nhân dân trồng cỏ chăn nuôi, hỗ trợ nhân dân làm chuồng trại chăn nuôi, hỗ trợ nhân dân khai hoang ruộng bậc thang, hộ nghèo nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng cho 99 hộ, hỗ trợ trồng thảo quả chuyển đổi sản xuất cho 159 hộ của các bản xã Háng Đồng. Chương trình 135 từ năm 2008 đến nay, thực hiện hỗ trợ sản xuất cho các hộ với kinh phí hỗ trợ 1.066 triệu đồng, trong đó: hỗ trợ mua máy xay xát, máy tẽ ngô; hỗ trợ mua giống ngan. Chương trình 370 thực hiện hỗ trợ trong 02 năm 2011-2012, với số tiền 456,5 triệu đồng, hỗ trợ giống ngan, giống lợn địa phương. Chương trình theo Quyết định 102 từ năm 2010 đến nay, thực hiện hỗ trợ với kinh phí 441,3 triệu đồng.

Khí hậu và đất đai của xã Háng Đồng phù hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây dược liệu Atiso, cây thảo quả, phát triển trồng và sản xuất măng ớt để trở thành sản phẩm hàng hóa. Suối Háng Đồng (suối Sập) có lưu lượng nước chảy lớn với hệ thống rừng đầu nguồn bảo vệ nguồn nước rừng đặc dụng Tà Xùa, là điều kiện để phát triển thủy điện vừa và nhỏ gắn với phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng liên vùng Tà Xùa - Háng Đồng. Người Mông xã Háng Đồng có nghề truyền thống rèn nông cụ, thêu, dệt thổ cẩm phục vụ sinh hoạt gia đình.

Hiện nay trên địa bàn xã có 02 bản đã được đầu tư công trình thủy lợi kiên cố là thủy lợi Háng Bla phục vụ sản xuất khoảng 17 ha lúa ruộng và công trình thủy lợi Háng Đồng A phục vụ sản xuất khoảng 28 ha lúa ruộng. Hiện còn 04 bản có công trình thủy lợi, kênh mương đất, chưa được cứng hóa là bản Háng Đồng C, Háng Đồng B, Làng Sáng. Xã đang phát triển 1 số trang trại theo mô hình hộ gia đình, khoanh vùng chăn thả gia súc ăn cỏ. Hiện tại Công ty Xuân Thiện đang thi công công trình thuỷ điện vừa trên suối Háng Đồng.

Giao thông ở xã còn nhiều khó khăn. Đường liên xã có 35 km đường nhựa. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là ngựa thồ và xe máy. Xã chưa có điểm Bưu điện văn hóa. 2/6 bản chưa có điện đó là, Háng Đồng C và bản Làng Sáng.

2. Văn hóa

Háng Đồng là xã có 100% dân tộc Mông. Trong những dịp lễ, tết nhân dân xã Háng Đồng thường tổ chức các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa Mông như đánh quay, ném pao, múa khèn, đẩy gậy. Xã có 3 đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên luyện tập và tổ chức giao lưu, biểu diễn trong các dịp lễ hội, tết Mông.

Ỏ Háng Đồng B có bà Sồng Thị Nu, ở Háng Đồng A có ông Mùa A Chống, ông Sồng A Páo là những thầy cúng có tiếng . Đồng bào các dân tộc ở xã theo tín ngưỡng thờ tổ tiên, thờ cúng thần núi, thần sông, thời gian gần đây xuất hiện đạo không rõ nguồn gốc. Tri thức địa phương dự đoán thời tiết bằng cách xem sự di chuyển của con kiến đất.

3. Giáo dục

Năm học 2014-2015 xã có 01 trường mầm non, 9 lớp mẫu giáo với 168 học sinh 13 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên 01 trường tiểu học, 26 lớp  398 học sinh, 32 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 01 trường trung học cơ sở có 6 lớp 187 học sinh, 18 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất có 9 phòng học mẫu giáo, 26 phòng học tiểu học, 06 phòng học THCS.

4. Y tế, Thể thao

Trạm y tế xã đặt ở trung tâm xã, có 01 nhà làm việc (nhà gỗ) với 6 phòng, 05 giường bệnh, 5 cán bộ y tế, trên địa bàn xã có 05 nhân viên y tế bản, hàng năm khám, điều trị cho khoảng 619 lượt bệnh nhân.

 Có một số thầy lang chữa bệnh bằng thuốc nam. Đồng bào các dân tộc trong xã còn giữ được các môn thể thao dân tộc như: bắn cung, cưỡi ngựa, đấu vật, đặc biệt là môn bắn nỏ. Nhân dân hăng hái tham gia hoạt động một số môn thể thao như bóng chuyền, bóng đá nhưng do địa hình xã phức tạp, chưa được đầu tư nên chưa có sân chơi, các hoạt động lẻ tẻ, chưa được nhân rộng.

III. LỊCH SỬ

Xã Háng Đồng mới được thành lập tháng 10/2008, tách ra từ xã Tà Xùa theo Nghị định số 47/NĐ-CP ngày 17/4/2008 của Chính Phủ. Năm 2008 Đảng bộ xã Háng Đồng được thành lập theo quyết định số 1059-QĐ/HU ngày 27/8/2008 của Ban Thường vụ Huyện uỷ Bắc Yên. Khi mới thành lập có 33 đảng viên, đồng chí Sa Văn Thúy –Phó bí thư huyện đoàn tăng cường làm bí thư Đảng ủy, đồng chí Mùa A Vàng làm chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã. Hiện nay Đảng bộ có 79 đảng viên, sinh hoạt tại 11 chi bộ.

Trong hơn 6 năm (2008 - 2014), kể từ khi được thành lập, xã Háng Đồng đã tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những kết quả quan trọng: sản xuất nông - lâm nghiệp ổn định, cơ bản đảm bảo an ninh lương thực, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn vùng cao có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng đang được đầu tư, thông tuyến đường giao thông nông thôn Tà Xùa - Háng Đồng. Bảo vệ, phát triển vốn rừng, nâng độ che phủ của rừng. Các chính sách dân tộc được thực hiện khá tốt, hỗ trợ sản xuất, xóa nhà tạm, cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đồng bào, tạo điều kiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân. Văn hoá, y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, đa số trẻ em trong độ tuổi được đến trường, người ốm được khám và chữa bệnh, các hủ tục lạc hậu từng bước xóa bỏ, xây dựng nếp sống văn hóa mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tuyên truyền, vận động và tổ chức triệt phá và không tái trồng cây thuốc phiện,  không di dịch cư tự do, không tranh chấp đất đai.

Các tập thể và cá nhân trong xã được Nhà nước tặng thưởng: Ngày 20/11/2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La (kèm theo quyết định số 3127). Trong 05 năm, từ 2010 đến 2014 có 29 tập thể, cá nhân được Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Bắc Yên tặng giấy khen.

 

 


[1] Nguồn: Sở Tài nguyên và Mội trường Sơn La.

[2] Nguồn: - Số hộ, số nhân khẩu theo Cục Thống kê Sơn La

               - Khoảng cách từ trung tâm xã đến các bản theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Yên .

 

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập