Triển vọng phát triển kinh tế từ mô hình “Chăn nuôi ngựa”
Lượt xem: 137
Những năm gần đây, tận dụng lợi thế về nguồn thức ăn dồi dào, nhiều hộ dân ở bản Pu Nhi, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên đã phát triển chăn nuôi ngựa. Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả, mở ra triển vọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Với kinh nghiệm sẵn có trong chăn nuôi ngựa, năm 2016 nhận thấy tiềm năng phát triển ngựa hàng hóa, anh Mùa A Dơ, ở bản Pu Nhi, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên đã quyết định đầu tư nuôi ngựa sinh sản. Năm 2019 anh được Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Bắc Yên cho vay 50 triệu đồng, cùng với số vốn tích góp của gia đình anh đã làm chuồng trại và mua thêm 3 con ngựa cái sinh sản về nuôi.

anh tin bai

Đàn ngựa của anh Mùa A Dơ ở bản Pu Nhi, xã Phiêng Ban

anh tin bai


Anh Mùa A Dơ, bản Pu Nhi, xã Phiêng Ban chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi cũng nuôi bò nhưng bây giờ bò không có giá nữa, con bò nuôi cả năm chỉ được 4 đến 5 triệu thôi nên tôi đã bán hết bò chuyển sang nuôi ngựa, riêng ngựa chịu rét tốt, sinh sản nhanh với ăn ít hơn. Một năm gia đình tôi bán 3 con ngựa khoảng 1 năm tuổi giá bán 10 đến 12 triệu đồng, có con ngựa giống thì được 15 triệu đồng. Tính trung bình một năm một con ngựa cái sinh sản cho thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng”.

Không chỉ gia đình anh Dơ, một số hộ dân trong bản Pu Nhi, xã Phiêng Ban nhận thấy chăn nuôi ngựa mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã chủ động vay vốn để phát triển mô hình.

Anh Mùa A Dơ chia sẻ thêm: “Bây giờ anh em trong bản thấy mình nuôi được ngựa sinh sản tốt nên cũng rủ nhau mua ngựa về nuôi, con cháu mình cũng rất phấn khởi vì nuôi được ngựa, có thu nhập ổn định cuộc sống”.

anh tin bai

Đàn ngựa của người dân bản Pu Nhi, xã Phiêng Ban

 

Nhận thấy tiềm năng cũng như nhu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân, năm 2022 Hội nông dân xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên đã thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp tại Chi hội Nông dân bản Pu Nhi với 18 hộ tham gia, ban đầu chỉ có 98 con ngựa. Đến nay, Chi hội Nông dân nghề nghiệp bản Pu Nhi đã có 29 hộ tham gia, đàn ngựa tăng lên 133 con, hộ nuôi ít nhất là 2 con, nhiều nhất là 21 con.

Anh Mùa A Ư, Chi hội trưởng Chi hội nông dân bản Pu Nhi, xã Phiêng Ban cho biết: “Đến năm 2019 đàn ngựa phát triển, các hộ cùng nhau nuôi, hộ này nuôi phát triển tốt thì các hộ khác lại học theo. Từ khi bà con nuôi ngựa phát triển, kinh tế có sự thay đổi rất rõ dệt, ngựa thì có giá rất cao, mỗi hộ 1 năm ít nhất cũng bán từ 2 đến 3 con để trang trải cuộc sống, mua được xe máy, có hộ xây được cả nhà cao tầng. Trong thời gian tới, chi bộ cũng ban hành nghị quyết để tăng đàn ngựa của bản, phấn đấu đến cuối năm nâng tổng đàn lên 175 con. Trong các cuộc họp bản chúng tôi cũng tuyên truyền đến các các hộ dân, bây giờ không có cỏ bán bớt trâu bò đi chuyển sang nuôi ngựa vì đàn ngựa không mất nhiều công chăm sóc, sống tập trung theo đàn, còn trâu, bò thì hay tách đàn nên rất khó chăm”.

Ngựa là vật nuôi ít bệnh tật, chịu rét tốt, dễ thích nghi với mọi điều kiện thời tiết, không mất nhiều công chăm sóc, nguồn thức ăn có thể tự chủ được, không những vậy ngựa còn cho giá trị kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần so với trâu, bò. Ngựa con nuôi trên 7 tháng tuổi có thể xuất bán với giá từ 10 đến 15 triệu đồng/con; ngựa trưởng thành có giá bán dao động từ 35 đến 40 triệu đồng/con.

Bên cạnh sự chủ động của người dân, để hỗ trợ phong trào chăn nuôi phát triển, hằng năm, chính quyền xã Phiêng Ban phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Yên tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép về các kỹ thuật chăn nuôi, trong đó có kỹ thuật chăm sóc đàn ngựa cho bà con; tư vấn, hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi ngựa.

anh tin bai

Đời sống kinh tế người dân bản Pu Nhi thay đổi

 

Bà Lò Thị Diêng, Chủ tịch UBND xã Phiêng Ban cho biết: “Mô hình chăn nuôi ngựa ở bản Pu Nhi đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt là về kinh tế cho các hộ dân ở bản Pu Nhi, một số hộ đã thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi ngựa này, qua đó giúp cho người dân nắm rõ được kỹ thuật cũng như cách thức chăn nuôi. Trong thời gian tới xã tiếp tục định hướng cho các hộ có nhu cầu vay vốn tăng thêm đàn cũng như mở rộng mô hình, hướng dẫn nhân dân vay vốn theo NQ 55 đối với Ngân hàng nông nghiệp, còn Ngân hàng chính sách xã hội thì vay vốn sản xuất kinh doanh. Cùng với đó giao cho Hội nông dân xã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền bản tuyên truyền vận động, đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình này mang lại, để cho các hộ dân thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài, từ đó tiếp tục tham gia”.

Mô hình chăn nuôi ngựa tại bản Pu Nhi, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Từ mô hình, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm, xây dựng được nhà cửa khang trang. Có thể thấy, mô hình chăn nuôi ngựa đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống và mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới cho người dân tại địa phương./.


Tác giả: Hoàng Sây (Trung tâm TT-VH Bắc Yên)
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập