Nói về sự vất vả của nghề giáo viên, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến những thầy cô giáo nơi non cao. Nhất là hình ảnh những giáo viên cắm bản, những người hàng ngày phải vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn để cống hiến năm tháng tuổi trẻ cho sự nghiệp trồng người. Những ngày mùa đông này, chúng tôi có dịp đến thăm các cô giáo gieo chữ ở điểm trường Mầm Non Làng Sáng, xã Hàng Đồng, Bắc Yên, Sơn La.
Lớp mẫu giáo trường Mầm Non bản Làng Sáng, xã Háng Đồng
Sinh ra ở tỉnh Hà Giang, cái duyên đã đưa cô giáo Thào Thị Lý đến với Sơn La. Cô Lý nhận công tác ở điểm trường Mầm Non Làng Sáng, một trong những điểm trường khó khăn bậc nhất của xã Háng Đồng, thuộc xã khó khăn ở huyện Bắc Yên. Nhưng với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, hàng ngày, từ việc đón trẻ, vệ sinh cá nhân, đến chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, dạy chữ cho trẻ đều được cô chăm lo tận tình, trách nhiệm như chăm chính những đứa con yêu quý của mình.
Giờ thể dục giữa giờ của cô, trò điểm trường Mầm Non bản Làng Sáng, xã Háng Đồng
Cô giáo Thào Thị Lý, giáo viên điểm trường Làng Sáng, Trường Mầm Non Hoa Đào xã Háng Đồng, Bắc Yên, Sơn La chia sẻ: “Tôi được phân công vào điểm trường Mầm Non bản Làng Sáng, điều đầu tiên tôi thấy vui mừng nhất đó là được nhìn thấy các con đến trường, đến lớp đông đủ. Ngoài những tiết dạy theo chương trình, tôi thường xuyên tìm tòi, sưu tầm những nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương cho trẻ được trải nghiệm, học tập, khám phá. Qua đánh giá chất lượng giữa kỳ của Ban Giám hiệu nhà trường thì lớp tôi cũng đã đạt 90% chất lượng giáo dục của lớp”.
Hơn 4 năm dạy ở Trường mầm non Hoa Đào, xã Háng đồng, trong đó, 3 năm dạy ở điểm trường Mầm non Làng Sáng, cô giáo Tòng Thị Hoa hiểu rõ sự vất vả, khó nhọc khi công tác nơi dẻo cao này. Vất vả nhất là vào đầu năm học mới, khi đón những đứa trẻ lần đầu đến trường, chưa hiểu tiếng phổ thông, chưa biết đi vệ sinh đúng chỗ, thầy cô phải mất rất nhiều thời gian hướng dẫn, rèn giũa để hình thành thói quen, nền nếp cho các cháu.
Giờ ăn trưa của lớp Mầm non điểm trường Mầm Non bản Làng Sáng
Cô giáo Tòng Thị Hoa, điểm trường Mầm Non Làng Sáng, Trường Mầm Non Hoa Đào xã Háng Đồng, Bắc Yên, Sơn La chia sẻ thêm: “Mạng, sóng điện thoại còn chưa có, cập nhật thông tin rất khó khăn, vất vả; phải đi dò sóng mới có thể cập nhật thông tin. Chuyển đổi số thì phải có sóng, có mạng; trong 2 năm qua, cũng đã được nhà nước quan tâm, có sóng, mạng để cập nhật tình hình, tin tức nhưng rất là yếu. Ở Làng Sáng 100% là đồng bào dân tộc Mông, các cô giáo phải học hỏi thêm tiếng Mông để giao tiếp với phụ huynh và học sinh”.
Giờ tập tô của lớp mẫu giáo điểm trường Mầm non bản Làng Sáng, xã Háng Đồng
Tâm sự về chuyện nghề, các cô giáo điểm trường bản Làng Sáng chia sẻ: Đôi lúc cũng có ý nghĩ chuyển nghề, hay xin về điểm trường gần nhà hơn, nhưng ngày tháng qua đi, dần quen với cuộc sống trên này và ngày càng yêu thương các em học sinh; khi nhìn lại những kết quả mình đã làm, các cô cũng thấy vui và muốn phấn đấu tốt hơn nữa.
Dù khó khăn là vậy, song, với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, các cô giáo mầm non điểm trường Làng Sáng nói riêng và các cô giáo cắm bản ở các điểm trường Mầm Non Hoa Đào, xã Háng Đồng nói chung vẫn đang thầm lặng làm tốt công tác giảng dạy, chăm sóc, giáo dục các em học sinh vùng cao.
Cô giáo Lường Thanh Loan, Phó Hiệu trưởng trường Mầm Non Hoa Đào, xã Háng Đồng, Bắc Yên, Sơn La cho biết: “Đối với giáo viên cắm bản tại điểm trường Làng Sáng, ngoài việc nhà trường thường xuyên đến dự giờ thăm lớp, quan tâm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, thì công đoàn nhà trường cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên các cô giáo; khi các cô có khó khăn, vướng mắc thì công đoàn cũng như tập thể nhà trường thường xuyên quan tâm, động viên để các cô yên tâm bám trường, bám lớp, mang đến chất lượng cho tập thể nhà trường”.
Những khó khăn, vất vả và nghị lực, tình yêu nghề của các giáo viên vùng cao không thể kể hết bằng lời. Sự tâm huyết đó đang từng ngày góp phần tạo nên một thế hệ người vùng cao có tri thức, dựng xây một tương lai tươi sáng hơn./.