Nhắc đến bản Làng Sáng, nhiều người nghĩ ngay đến một bản đặc biệt khó khăn của xã Háng Đồng (Bắc Yên), một nơi xa xôi, hẻo lánh, không điện thắp sáng, không sóng điện thoại và đường về bản trước đây vô cùng khó khăn; thì giờ đây bộ mặt nông thôn bản Làng Sáng đã từng bước đổi thay, bởi tuyến đường giao thông từ trung xã đến bản dài hơn 20 km đã được bê tông hóa, nhân dân được sử dụng điện lưới quốc gia, công trình thủy lợi được đầu tư gắn với phát triển ruộng bậc thang, đời sống của nhân dân được cải thiện.
Thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa của tỉnh Sơn La, Làng Sáng là vùng đất tuyệt đẹp mang vẻ đẹp kết hợp giữa núi non hùng vĩ và rừng nguyên sinh hoang sơ. Nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Sơn La và Yên Bái, xã Háng Đồng có cấu tạo địa hình lòng chảo, tựa lưng vào Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa. Nằm ở độ cao 2000m so với mực nước biển, nên bản Làng Sáng quanh năm mát mẻ, với núi non hùng vĩ quanh năm bồng bềnh mây trắng bao phủ. Bản Làng Sáng có 111 hộ, 719 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông.
Trước đây, giao thông đi lại khó khăn, nên bản Làng Sáng dường như biệt lập với các bản khác trong xã Háng Đồng, chỉ khi nào thực sự có việc cần thiết, bà con mới xuống núi. Ít có điều kiện tiếp cận với những kiến thức kỹ thuật sản xuất mới, nên bà con vẫn sản xuất theo phương thức lạc hậu, kinh tế tự túc, tự cấp; ngày ngày vào rừng hái măng, hái rau rừng về phục vụ sinh hoạt của gia đình; bởi vậy, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám cuộc sống người dân nơi đây, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 100%.
Nhưng những năm gần đây, dưới sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Yên và xã Háng Đồng, con đường từ trung tâm xã đến bản Làng Sáng được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng, thuận lợi cho bản đặc biệt khó khăn này đi lại, giao thương hàng hóa; điện lưới quốc gia, công trình thủy lợi được đầu tư gắn với mở rộng diện tích ruộng bậc thang. Ngoài ra, bản còn phát triển nhiều mô hình sản xuất như: trồng và chăm sóc tốt hơn 10 ha cây chè cổ thụ, phát triển chăn nuôi trâu bò, lợn và nuôi gà để cung cấp thực phẩm cho gia đình.
Tâm sự với với chúng tôi, đồng chí Hạng A Thông, Bí thư chi Bộ, Trưởng bản Làng Sáng, xã Háng Đồng vui mừng nói: “Hiện nay, tổng diện tích ruộng bậc thang của bản là 50 ha, cho nguồn thu sản lượng lớn, có nhiều hộ gia đình không chỉ đủ ăn mà còn được bán ra thị trường. Nông sản chủ yếu đem lại thu nhập cho bà con chủ yếu là cây chè; Ban quản lý bản đang tuyên truyền vận động bà con nhân dân chăm sóc tốt diện tích cây chè cổ thụ và trồng thêm giống chè mới, hiện nay cũng đem lại nguồn thu lớn cho bà con nơi đây”.
Nhờ có đường, có điện, có trường học và thủy lợi, bà con có cơ hội được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phát triển sản xuất, con em được đến trường, đến lớp học hành đúng độ tuổi. Hiện nay, nhiều hộ dân ở bản Làng Sáng đã vươn lên thoát nghèo, làm được nhà cửa khang trang, kiên cố. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 100% số hộ xuống còn 73,87%.
Đến thăm gia đình anh Hạng A Sềnh, bản Làng Sáng trong ngôi nhà gỗ đẹp, khang trang, trong nhà xếp đầy những bao thóc mới được thu hoạch, còn thơm lúa mới. Anh Hạng A Sềnh, vui mừng chia sẻ: “Những năm trước, do bản mình là một bản xa xôi, chưa có đường, điện và thủy lợi nên bản chúng tôi rất khó khăn cả về lương thực, tiền nong. Từ khi được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư làm điện thắp sáng, làm đường ô tô và làm thủy lợi cho bản, bà con đã có đủ ăn, đủ uống quanh năm. Riêng gia đình tôi năm nay cũng thu hoạch được 50 bao thóc, chăn nuôi hơn 10 con bò, cuộc sống gia đình đã đỡ vất vả hơn nhiều”.
Bên cạnh việc khai thác ruộng bậc thang, người dân Làng Sáng còn lựa chọn trồng một số loại cây phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu đặc trưng của vùng cao như: Sơn tra, Chè; tận dụng diện tích dưới tán rừng để trồng Thảo quả, Sa nhân gắn với việc bảo vệ rừng, với tổng diện tích gần 30 ha, trong đó 5 ha đã cho thu hoạch.
Đồng chí Hạng A Thông, Bí thư chi bộ, trưởng bản Làng Sáng cho biết thêm: “ Công tác bảo vệ rừng cũng đang được quan tâm hàng đầu, đây là khu rừng đặc dụng cho nên ban quản lý bản cũng đang rất quan tâm công tác quản lý, bảo vệ rừng. Những năm gần đây người dân cũng đã thực hiện công tác bảo vệ rừng rất là tốt; không xảy ra tình trạng cháy rừng, hay là khai thác, phá hoại, phát nương rãy để ảnh hưởng đến rừng. Thời gian tới, Ban quản lý bản sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân chấp hành công tác bảo vệ rừng; nhất là công tác PCCC rừng; tố giác các tội phạm khai thác, vận chuyển, phá hoại khu rừng đặc dụng của bản”.
Điện, đường, thủy lợi được quan tâm đầu tư đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân nơi đây trong phát triển kinh tế, xã hội. Về bản vùng cao Làng Sáng hôm nay, cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc Mông nơi đây đã có nhiều đổi thay tích cực, những gian khó, cái đói, cái nghèo chỉ còn là câu chuyện trong quá khứ, diện mạo nông thông mới đang dần hiện hữu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
Một số hình ảnh đổi thay ở bản Làng Sáng: