Trong những năm gần đây, ngành giáo và đào tạo huyện Bắc Yên đã được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các trường học, nhất là các điểm trường lẻ vẫn còn nhiều khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục hiện nay. Tìm hiểu về nội dung này, phóng viên Trung tâm TT-VH huyện có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Yên.
Phóng viên: Xin đồng chí khái quát về công tác giáo dục của huyện, đặc biệt, là đối với các điểm trường lẻ trên địa bàn huyện?
Ông Nguyễn Hữu Sơn trả lời phỏng vấn
Ông Nguyễn Hữu Sơn: Trên địa bàn huyện, hiện có 44 trường và một TTGDTX với trên 20 nghìn học sinh; các cơ sở giáo dục trực thuộc UBND huyện có 42 trường, 702 lớp, 18.783 học sinh; trong đó, cấp Mầm Non có 16 trường, 227 nhóm, lớp (29 nhóm trẻ và 198 lớp mẫu giáo), 5.011 trẻ; trong đó,768 trẻ nhà trẻ và 4243 trẻ mẫu giáo. Toàn huyện có 93 điểm trường có lớp mầm non (gồm 16 điểm trường chính và 77 điểm trường).
Cấp Tiểu Học có 16 trường có cấp tiểu học; trong đó, 10 trường tiểu học và 6 trường liên cấp; có 328 lớp và 8.168 em. Tổng toàn huyện có 80 điểm trường có lớp tiểu học; trong đó, 16 điểm trường chính và 64 điểm trường lẻ.
Toàn huyện có 16 trường có cấp THCS, trong đó,10 trường THCS và 6 trường liên cấp TH-THCS; với 147 lớp và 5.604 học sinh.
Về cơ sở vật chất các điểm trường lẻ, hiện toàn huyện có 77 điểm trường lẻ có mở lớp mầm non và tiểu học. Cơ bản đảm bảo đủ 1 phòng/lớp, trong đó, có 5 phòng học tạm làm bằng nhà lắp ghép, một số điểm trường lẻ thuộc các trường mầm non thiếu phòng học phải mượn phòng học của trường tiểu học, như: điểm trường bản Kỳ Sơn, xã Phiêng Côn; điểm trường bản Cao Đa 2, bản Bụa A và bản Phiêng Ban A, xã Phiêng Ban. Về các công trình phụ trợ, như: Nhà vệ sinh còn thiếu, nhà công vụ giáo viên, nhà ăn, nhà bếp còn làm tạm.
Phóng viên: Vậy công tác giáo dục tại các điểm trường lẻ gặp những khó khăn, vướng mắc như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Sơn: Những khó khăn trong công tác giáo dục tại các điểm trường lẻ, như: Sự quan tâm của cha mẹ học sinh chưa thường xuyên; Công tác chuyên cần trong học tập chưa tốt, học sinh hay nghỉ học tự do. Nhà công vụ giáo viên, công trình nước sạch, nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh còn thiếu thốn chưa đáp ứng được yêu cầu cần thiết. Thiết bị đồ dùng, đồ chơi chưa có đủ đồ dùng, đồ chơi trong lớp và ngoài trời. Các điểm trường lẻ chưa có mạng internet để thực hiện khai thác học liệu, tài liệu phục vụ cho công tác dạy-học. Giáo viên đi lại từ nhà đến điểm trường còn gặp nhiều khó khăn như đường xấu, khoảng cách xa hàng vài chục kilomet.
Phóng viên: Trước những khó khăn đó, phòng có giải pháp, định hướng như thế nào trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Hữu Sơn: Định hướng trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục rà soát toàn bộ cơ sở vật chất hiện có tại các điểm trường lẻ, đề xuất với UBND huyện đầu tư xây dựng thêm phòng học, nhà ở công vụ giáo viên, nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh tại các điểm trường lẻ đảm bảo yêu cầu ở mức tối thiểu, đảm bảo cho công tác dạy và học; đề xuất với UBND huyện cấp kinh phí thực hiện mua sắm các trang thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học, đồ dùng, đồ chơi trong nhà, ngoài trời cho cấp mầm non.
Phóng viên: Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi ngày hôm nay!