Nằm cách trung tâm huyện hơn 40km, Điểm trường tiểu học, mầm non bản Làng Sáng, xã Háng Đồng, Bắc Yên (Sơn La) có 3 lớp tiểu học và 3 lớp mầm non. Là điểm trường xa trung tâm và khó khăn nhất của xã Háng Đồng; song các thầy, cô giáo nơi đây vẫn luôn tận tâm, yêu nghề, nỗ lực cắm bản, mang tri thức đến các em học sinh vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.
Làng Sáng là một trong những bản khó khăn bậc nhất của xã Háng Đồng, với 100% là đồng bào Mông, kinh tế chủ yếu dựa vào nương rẫy, một bộ phận người dân trình độ dân trí còn hạn chế, nên cuộc sống còn nhiều thiếu thốn. Suốt nhiều năm qua, để duy trì sĩ số học sinh, các giáo viên cắm bản phải lặn lội đến từng nhà gặp gỡ, thuyết phục phụ huynh cho con em đến lớp. Để ươm mầm “con chữ”, giờ đây mỗi thầy cô phải thực hiện bốn cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng sử dụng tiếng bản địa với các em.
Ông Hạng A Thông, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Làng Sáng, xã Háng Đồng, Bắc Yên (Sơn La) cho biết: “Những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà Nước cũng như các ban ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động con em đi học thì cũng không còn tình trạng phân biệt trai hay gái đi học, tất cả đủ tuổi đến trường thì đều được đi học. Tình trạng tảo hôn cũng đã có bước cải tiến rõ rệt trong những năm gần đây. Hiện nay, dạy ở cơ sở bản thì các thầy cô giáo đều ở ngoài huyện, tuy nhiên các thầy cô giáo cũng rất là quan tâm, thường xuyên đến sớm để tuyên truyên, vận động các cháu học sinh đi học đầy đủ”.
Các thầy cô giáo Điểm trường bản Làng Sáng tuyên truyền, vận động học sinh đi học
Dừng chân tại Điểm trường tiểu học bản Làng Sáng, chúng tôi hiểu hơn những khó khăn, vất vả của những giáo viên cắm bản. Chia sẻ về chuyện nghề, thầy giáo Lò Văn Dương tâm sự, điểm trường có 3 giáo viên nam, chủ yếu là người ở huyện Bắc Yên và Phù Yên, do đường sá xa xôi, các thầy ở lại “cắm bản” cho tiện sinh hoạt, giảng dạy. Thường thì cuối buổi chiều thứ sáu hàng tuần, các thầy tranh thủ về nhà thăm gia đình, vợ con, chiều chủ nhật lại tay xách nách mang đủ thứ nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho một tuần công tác mới. Trước đây, học sinh điểm Làng Sáng phải học tập dưới ngôi nhà mái lá, vách gỗ, nền đất, mùa mưa thấm dột, nhếch nhác. Những năm gần đây, điểm trường được các tổ chức thiện nguyện xây dựng nhà tôn lắp ghép khá kiên cố, con em trong bản được hỗ trợ tiền ăn bán trú, thầy và trò phần nào yên tâm giảng dạy, học tập.
Thầy giáo Lò Văn Dương, giáo viên chủ nhiệm lớp 2, điểm trường tiểu học bản Làng Sáng, xã Háng Đồng, Bắc Yên, Sơn La) chia sẻ: “Là một giáo viên trẻ thì tôi cũng xung phong vào điểm trường xa nhất ở bản Làng Sáng, mang con chữ lên vùng cao dạy cho các con. Với lòng nhiệt huyết và yêu nghề thì tôi cũng đã cố gắng truyền tải kiến thức của mình để dạy cho các con”.
Thầy và trò Điểm trường Tiểu học bản Làng Sáng, xã Háng Đồng
Thầy giáo Hoàng Văn Dung, giáo viên điểm trường tiểu học bản Làng Sáng, xã Háng Đồng, Bắc Yên, Sơn La) chia sẻ thêm: “Các con còn nhỏ, chưa biết hết tiếng phổ thông, phát âm các con còn sai theo phương ngữ tiếng dân tộc. Hàng đêm, chúng tôi cũng đến tận nhà học sinh khó khăn, học sinh yếu để chỉ cho các em cách học bài để học tốt hơn”.
Thầy và trò Điểm trường Tiểu học Làng Sáng những giờ ra chơi
Hiện nay, Trường Tiểu học và THCS Háng Đồng có 6 điểm trường; trong đó, có 5 điểm trường lẻ, mặc dù gặp không ít khó khăn, song các thầy cô giáo vẫn yêu nghề, quyết tâm bám trường, bám bản vì đàn em thân yêu. Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, các thầy, cô giáo còn phụ trách thêm công việc vận động học sinh đến trường. Bởi đối với trường hợp hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ thường đi nương rẫy từ sáng sớm đến chiều muộn mới về, nhiều cha mẹ không biết chữ nên thiếu sự quan tâm với con cái, gần như việc học là phó mặc cho thầy cô giáo, nếu không có sự tuyên truyền, vận động, khích lệ của các thầy cô, các em rất dễ nghỉ học...
Thầy giáo phục vụ bữa ăn trưa cho học sinh Điểm trường bản Làng Sáng, xã Háng Đồng
Ông Đỗ Văn Tảo, Phó Hiệu trưởng, trường Tiểu Học-THCS Háng Đồng, Bắc Yên (Sơn La) cho biết: “ Các thầy cô đã rất là có tinh thần trách nhiệm, yêu trường, mến trẻ, tích cực trong công tác giảng dạy và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phía Ban giám hiệu nhà trường, cũng thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các thầy cô thực hiện tốt nhất công tác giảng dạy của mình tại điểm trường Làng Sáng cũng như các điểm trường khác và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao”.
Cũng không ngoại lệ, điểm trường Mầm non bản Làng Sáng thuộc diện xa xôi, khó khăn của Trường Mầm non Hoa Đào, xã Háng Đồng, Bắc Yên. Điểm trường có 3 cô giáo, chủ nhiệm 3 lớp mẫu giáo, với 68 trẻ. Gắn bó với điểm trường này nhiều năm được 3 năm, cô giáo Tòng Thị Hoa hiểu rõ sự vất vả, khó nhọc của thầy cô đang công tác nơi đây. Do đường sá đi lại vất vả, nên đều đặn chiều chủ nhật hàng tuần, cô cùng đồng nghiệp phải vượt qua quãng đường hơn 40 km với nhiều cung đường dốc đá, lởm chởm, một bên là núi, bên kia là vực để đến điểm trường, và ở lại cho đến cuối tuần mới về nhà.
Lớp mẫu giáo trường Mầm Non bản Làng Sáng, xã Háng Đồng
Giờ tập tô của lớp mẫu giáo điểm trường Mầm Non bản Làng Sáng, xã Háng Đồng
Ở điểm trường Mầm Non Làng Sáng, các cháu còn hạn chế về giao tiếp nên thầy cô tích cực học thêm tiếng Mông để có thể nói chuyện, trao đổi với phụ huynh, học sinh. Vất vả nhất là năm học mới, khi đón những đứa trẻ lần đầu đến trường, chưa hiểu tiếng phổ thông, chưa biết đi vệ sinh đúng chỗ, thầy cô phải mất rất nhiều thời gian hướng dẫn, rèn giũa để hình thành thói quen, nền nếp cho các cháu. Nhưng với lòng nhiệt huyết yêu nghề, hàng ngày, từ việc đón trẻ, vệ sinh cá nhân, đến chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, dạy chữ cho trẻ đều được các cô chăm lo tận tình, trách nhiệm như chăm chính những đứa con yêu quý của mình.
Các cô giáo Điểm trường bản Làng Sáng phục vụ các học sinh Mầm Non ăn trưa
Cô giáo Thào Thị Lý, giáo viên điểm trường làng Sáng, Trường Mầm Non Hoa Đào Háng Đồng, Bắc Yên, Sơn La chia sẻ: “Tôi được phân công vào điểm trường Mầm Non bản Làng Sáng, điều đầu tiên tôi thấy vui mừng nhất đó là được nhìn thấy các con đến trường, đến lớp đông đủ. Ngoài những tiết dạy theo chương trình, tôi thường xuyên tìm tòi, sưu tầm những nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương cho trẻ được trải nghiệm, học tập, khám phá. Qua đánh giá chất lượng giữa kỳ của Ban Giám hiệu nhà trường thì lớp tôi cũng đã đạt 90% chất lượng giáo dục của lớp”.
Hiện nay, Bắc Yên có 64 điểm trường lẻ cấp tiểu học và 77 điểm trường lẻ cấp mầm non. Cơ bản đảm bảo đủ 1 phòng/lớp. Tuy nhiên, vẫn còn 5 phòng học tạm làm bằng nhà lắp ghép, một số điểm trường lẻ cấp mầm non còn thiếu phòng học, phải mượn phòng học của trường tiểu học.
Ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Trưởng Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện Bắc Yên) cho biết: “Trong thời gian tới, phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rà soát cơ sở vật chất hiện có tại các điểm trường lẻ có mở lớp mầm non và tiểu học; đề xuất với UBND huyện xây dựng thêm phòng học, nhà ở cho giáo viên, nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh đảm bảo yêu cầu ở mức tối thiểu nhất, đảm bảo cho giáo viên và học sinh dạy và học. Tiếp tục đề xuất với UBND huyện cấp kinh phí mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng dùng dạy học tối thiểu đối với tiểu học và đồ dùng đồ chơi trong nhà, ngoài trời cho cấp mầm non”.
Bằng lòng nhiệt huyết, yêu nghề, những người giáo viên “cắm bản” vẫn luôn miệt mài, nỗ lực vượt qua khó khăn, cõng con chữ lên non, rệt nên một tương lai tri thức cho các em nhỏ vùng cao; góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa xây dựng cuộc sống ấm no hơn./.