Xã Tà Xùa (Bắc Yên), nằm trên độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, thời tiết sương mù quanh năm, với độ ẩm không khí cao, tạo ra hương vị đặc trưng của chè shan tuyết Tà Xùa vị ngọt thanh, ít chát. Không biết cây chè có tự bao giờ, nhưng cây chè đã gắn với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông hàng trăm năm qua.
Hiện, Tà Xùa có gần 140 ha chè, trong đó 108 ha đang cho thu hái và khoảng trên 2.000 gốc chè cổ thụ trên 200 năm tuổi tập trung ở các bản Bẹ, Mống Vàng. Tuy nhiên, được biết đến là nơi có vùng chè shan tuyết đặc sản, giá trị kinh tế cao nhưng nhiều năm qua, chè chủ yếu được bà con thu hái và chế biến bằng phương pháp thủ công và bán ra thị trường qua các tiểu thương. Do đó trên thị trường xuất hiện sản phẩm gắn mác chè shan tuyết Tà Xùa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, làm suy giảm uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản phẩm chè đặc sản Tà Xùa.
Nhằm thu hút đầu tư khai thác, bảo tồn và phát triển bền vững vùng chè shan tuyết Tà Xùa, huyện Bắc Yên đã có những chính sách khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, huyện đã đề nghị với Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Chè Tà Xùa” và tháng 12/2017, huyện Bắc Yên đã công bố và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Tà Xùa” cho Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc. Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Việc trao nhãn hiệu tập thể “Chè Tà Xùa” cho đơn vị sản xuất trên địa bàn xã, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quảng bá, giới thiệu đặc sản của địa phương. Qua đó, tạo thu nhập ổn định cho nông dân, nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo ở xã Tà Xùa nói riêng và huyện vùng cao Bắc Yên nói chung.
Thành lập từ tháng 3/2015, Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc (Tafood) đã nghiên cứu vùng nguyên liệu, đầu tư dây truyền sản xuất và chế biến chè ngay tại địa phương. Riêng năm 2016, Công ty đã thu mua khoảng 5 tấn búp chè tươi, chế biến ra 1 tấn chè khô thành phẩm và bán ra thị trường, với giá trung bình 1.200.000 đến trên 2.000.000 đồng/kg. Hiện, các sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu chè shan tuyết Tà Xùa của Công ty có nhãn hiệu Shannam, gồm 4 sản phẩm là trà viên, trà trúc, trà mây và bộ sản phẩm trà túi lọc Shanam ướp nhài và ướp hồng trà. Sản phẩm phong phú, đa dạng, tận dụng tối đa các thành phẩm từ chè, đáp ứng nhu cầu, sở thích và phục vụ khách hàng theo phân khúc nhóm đối tượng khách hàng khác nhau. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại kết hợp với kinh nghiệm thủ công lâu năm của bà con dân tộc Mông, sản phẩm trà shan tuyết cổ thụ do Công ty sản xuất luôn giữ được hương vị tự nhiên rất đặc trưng của chè shan tuyết Tà Xùa, thời gian bảo quản hơn 2 năm, khắc phục được nhược điểm vốn có của phương pháp sao thủ công trước đây. Bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Giám đốc Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc, cho biết: Hiện, Công ty đang phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè theo quy trình; tổ chức ký cam kết thu mua chè shan tuyết cổ thụ với bà con trên địa bàn xã. Đồng thời, tập trung thực hiện mục tiêu lâu dài, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong nước. Đồng thời, liên kết phân phối tiêu thụ các sản phẩm trà đặc sản Tà Xùa mang nhãn hiệu Shannam tại các thành phố lớn như: Đà Nẵng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Công ty đã có khoảng 200 cơ sở đại lý phân phối sản phẩm. Năm 2017, tổng sản lượng búp chè tươi đạt gần 54 tấn, với tổng giá trị đạt khoảng 2,7 tỷ đồng. Ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, cho biết: Tham gia cung cấp nguyên liệu cho Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc, bà con các bản được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái đảm bảo quy trình. Bà con cung cấp nguyên liệu trực tiếp cho Công ty, không qua các khâu trung gian, giá thành ổn định từ 40.000-60.000 đồng/kg chè búp tươi, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã.
Anh Mùa A Lừ, bản Mống Vàng, chia sẻ: Thực hiện thu hái chè đảm bảo quy trình, giúp lưu giữ tối đa hương vị chè đặc sản địa phương. Với 60 gốc chè cổ thụ, mỗi năm trừ chi phí, thu lãi hàng chục triệu đồng, tạo nguồn thu nhập chính của gia đình. Thời gian tới, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè cũng như những cây trồng có giá trị kinh tế cao khác để tăng thêm thu nhập.
Ngoài giống chè shan tuyết cổ thụ tồn tại hàng trăm năm, trên địa bàn xã đã trồng mới hàng chục ha thuộc một số giống chè lai. Để khôi phục giống chè shan tuyết cổ thụ địa phương, huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ươm, chiết giống từ chè shan tuyết cổ thụ địa phương và khuyến khích bà con trồng dặm thay thế. Đồng thời, Công ty Tafood cam kết thu mua sản phẩm của bà con địa phương, phân loại sản phẩm với mức giá thành khác nhau, để bà con tự nhận thức về giá trị của từng loại chè, đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con trồng dặm thay thế những diện tích chè giống lai bằng chè shan tuyết giống địa phương nhằm khôi phục vùng nguyên liệu chè đặc sản shan tuyết Tà Xùa, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho các hộ dân.
Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chè Tà Xùa đã góp phần quảng bá sản vật địa phương đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, gắn với giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy ngành du lịch trên địa bàn. Đồng thời, gắn kết nông dân với doanh nghiệp, tạo ra lợi ích chung, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, đẩy mạnh việc giảm nghèo ở huyện vùng cao đặc biệt khó khăn.
Phan Trang