Bắc Yên khơi dậy tiềm năng
Lượt xem: 622
Bắc Yên... với câu chuyện tình cảm động “Vợ chồng A Phủ” đã đi vào văn học Việt Nam. Bắc Yên... xứ sở của những biển mây trắng. Bắc Yên... với núi cao, khe sâu, nhiều sông suối, nơi có nhiều công trình thủy điện nhất, nhì của tỉnh. Bắc Yên... với vị ngọt, chát của sơn tra; ấm nồng rượu Hang Chú; hương thơm chè Tà Xùa đang lan tỏa bay xa... Trong vận hội mới, tiềm năng nơi đây đang được đánh thức và Bắc Yên luôn đón chào các nhà đầu tư...

Có một vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên “đặc biệt” so với các huyện, thành phố trong tỉnh, bởi toàn huyện muốn tìm ra một khoảng đất tự nhiên bằng phẳng rộng chừng 1 ha như “mò kim đáy biển”. Cũng chính từ nét đặc biệt đó, Bắc Yên đang nỗ lực đánh thức những tiềm năng còn “ẩn mình”, mang lại cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.

Nằm cách thủ đô Hà Nội 200 km, cách thành phố Sơn La 100 km, Bắc Yên có 50km Quốc lộ 37 chạy qua, có đường thủy dọc Sông Đà dài 70 km và đường liên tỉnh nối với huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Chính hệ thống giao thông nói trên đã trở thành điều kiện thuận lợi cho giao lưu, trao đổi hàng hóa. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khai thác tiềm năng về du lịch, khi mở các tua du lịch thu hút khách thập phương với câu chuyện tình cảm động của vợ chồng A Phủ, bãi đá cổ Hang Chú kỳ bí, hay những vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với sơn thủy hữu tình, đậm đà bản sắc dân tộc; cùng những món quà sản phẩm đặc trưng của vùng cao Bắc Yên, như: Rượu Hang Chú, sơn tra và chè Tà Xùa.

Nhắc tới vùng cao Bắc Yên không ít người nghĩ ngay tới sản phẩm chè Tà Xùa. Tên chè, cũng là tên của xã, tọa lạc ở vị trí 2.000m so với mặt nước biển - Tà Xùa có trên 100 ha chè quanh năm ẩn mình trong những làn sương trắng, với hương thơm quyến rũ lòng người. Nếu nói về sản phẩm chè thì bản Chung Chinh, xã Tà Xùa chính là “tâm điểm” niềm tự hào của hương chè Tà Xùa với những gốc chè cổ thụ quanh năm được bao bọc bởi sương giá và cách sao chè truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, tạo ra hương vị đậm đà riêng. Hiện tại, chè Tà Xùa đã trở thành sản phẩm hàng hóa “hái ra tiền” của đồng bào dân tộc Mông. Đây cũng là một trong những món quà không thể thiếu của khách thập phương khi tới thăm Bắc Yên. Nhiều khách sành uống chè Tà Xùa, còn cất công mua thêm những chiếc can mang nước từ vùng Tà Xùa về để pha chè. Bởi nếu pha chè bằng nguồn nước lạnh trong vắt quanh năm ở những khe suối vùng Tà Xùa, thì hương chè mới đạt đúng vị thơm ngon. Được biết, tỉnh và huyện cũng như một số doanh nghiệp đã thành công với dự án khôi phục, phát triển vùng chè cổ thụ Tà Xùa; vận động bà con trồng dặm; tạo ra một làng nghề với thương hiệu riêng, nhằm giữ gìn và bảo vệ được hương chè cổ thụ nổi tiếng.

Cũng giống như chè Tà Xùa, cây sơn tra của các xã vùng cao Bắc Yên hay còn gọi là táo mèo cũng rất nổi tiếng với hương vị đậm đà và hương thơm đặc trưng, càng ở độ cao lớn, khí hậu lạnh, táo càng ngon, màu vàng tươi, hương thơm hơn và có vị chua ngọt. Tuy nhiên, cây sơn tra không chỉ tập trung ở một xã mà phân bố ở cả 5 xã vùng cao. Vì thế, ai đã từng qua Bắc Yên vào mùa sơn tra sẽ nhớ mãi hình ảnh đồng bào dân tộc Mông ở các bản vùng cao thồ vắt vẻo lưng ngựa những sọt táo mèo vàng tươi và cũng không quên mua một vài cân cùng những chai rượu được chiết xuất từ quả sơn tra. Hiện tại, huyện Bắc Yên có khoảng 2.000 ha sơn tra, trong đó gần 500 ha cho thu hoạch với sản lượng hằng năm trên 2.000 tấn quả. Quả sơn tra của Bắc Yên cũng mang đặc trưng riêng, kích thước nhỏ hơn so với ở vùng khác, có mùi thơm đặc trưng, vị chua dôn dốt, chát ngọt, thường được ngâm làm nước giải khát hoặc chế biến làm rượu vang, mứt, ô mai. Đây cũng là một vị thảo dược để chữa huyết áp cao, mất ngủ, tiểu đường...


 

Nếu như trước đây, cây sơn tra chỉ được biết tới là một loại cây rừng với giá trị kinh tế thấp thì nay đã trở thành một trong những cây hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao cho đồng bào vùng cao. Đóng góp vào kết quả đó chính là nhờ nỗ lực của huyện khi đã tìm hướng ra cho một cây có lợi thế ở vùng cao. Cụ thể, vào năm 1998, với sự giúp đỡ của tỉnh, Bắc Yên đã lắp đặt xưởng chế biến rượu vang sơn tra công suất 6.000 lít/năm và thử nghiệm thành công Đề tài: “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rượu vang từ quả sơn tra” đạt tiêu chuẩn, được thị trường chấp nhận. Và trong năm 2016, huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm khoa học lâm nghiệp Tây Bắc lựa chọn 38 cây đầu dòng để thực hiện ghép cải tạo, đồng thời, tiến hành ép nước táo bằng công nghệ của Úc để tạo sản phẩm nước siro... Với nồng độ nhẹ, hương vị thơm đặc biệt, vang sơn tra và rượu sơn tra đã mau chóng được khách hàng ưa chuộng. Trong các dịp lễ, tết, cùng với nhiều sản phẩm vang trong nước, vang sơn tra với quy trình sản xuất an toàn, hương vị đặc trưng, xuất phát từ quê hương vợ chồng A Phủ đã được đưa ra rộng rãi trên thị trường trong nước... Táo mèo Bắc Yên còn được biết đến là đặc sản trong “Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam” do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận tại thông báo số 362/TB-KLVN ngày 5 tháng 8 năm 2012.

Cùng với chè Tà Xùa và quả sơn tra, Bắc Yên còn được nhắc tới với sản phẩm rượu Hang Chú - loại rượu thóc truyền thống, hương thơm, vị đậm đà, nồng ấm, đắm say lòng người. Và sau nhiều năm nỗ lực, giờ đây huyện Bắc Yên đã hình thành được làng nghề sản xuất rượu, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho đồng bào vùng cao. Hiện tại, xã Hang Chú có 21 hộ tại các bản Pa Cư Sáng, Hang Chú và Pá Đông thường xuyên duy trì nghề nấu rượu truyền thống.

Không biết rượu thóc Hang Chú có từ bao giờ, chỉ biết rằng đây là loại rượu quý, được bà con dùng cúng bái trời đất, tổ tiên vào các dịp lễ, tết, cưới hỏi... Bởi thế, ở Hang Chú, gia đình nào cũng biết nấu rượu, nhưng nấu ngon nhất là các hộ bản Pa Cư Sáng A, được coi là những nghệ nhân. Để làm ra rượu Hang Chú đòi hỏi phải công phu, kỹ càng từ việc chọn nguyên liệu đến quy trình ngâm, luộc, ủ và chưng cất. Rượu Hang Chú được nấu cách thủy bằng chõ xôi, trên chõ xôi được đặt một chiếc chậu sạch đựng nước lạnh, khi hơi bốc lên chạm vào đáy chậu, rượu sẽ theo ống dẫn chảy ra ngoài. Rượu ngon phải có vị thơm của thóc, hương thảo quả, vị đậm đà; rượu màu lam, có nồng độ trên 50 độ nên chỉ nhấp một chén đã lan tỏa khắp cơ thể. Đặc biệt, khi uống có cảm giác khoan khoái, dễ chịu, dù có uống say mấy, khi tỉnh dậy cũng không đau đầu.

Trong nhiều năm, để xây dựng thương hiệu rượu Hang Chú, phát triển nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo việc làm, có đầu ra cho sản phẩm và nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc Mông xã Hang Chú, huyện Bắc Yên đã phê duyệt Đề án: “Mô hình trình diễn phát triển làng nghề, sản xuất và kinh doanh rượu Hang Chú”. Đồng thời, huyện còn thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án để đẩy nhanh triển khai, thực hiện. Sau quá trình đầu tư dây chuyền, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, năm 2013, sản phẩm rượu Hang Chú đã ra mắt trên thị trường trong tỉnh với sản lượng bình quân 700 lít/năm...

Với những khó khăn đặc trưng, tưởng chừng khó phát triển, nhưng với nỗ lực của mình, trong nhiều năm qua, tiềm năng của huyện Bắc Yên đã và đang được đánh thức. Đây không chỉ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư đến với xứ sở sương trắng quanh năm, mà còn là động lực để Bắc Yên tiếp tục khẳng định lộ trình phát triển khi biết vượt qua khó khăn, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh.

 

Quốc Tuấn

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập