01/11/2024
Phỏng vấn Thượng tá Nguyễn Văn Khanh, Phó Trưởng Công an huyện Bắc Yên về các phương thức, thủ đoạn và cách nhận diện, phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng
Lượt xem: 40
Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những tác động tích cực tới sự phát triển chung của toàn nhân loại, tội phạm công nghệ cao cũng không ngừng gia tăng mạnh mẽ, ngày càng diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn tinh vi, gây rất nhiều khó khăn cho việc phát hiện, phòng ngừa, bắt giữ và xử lý. Vậy đâu là giải pháp quan trọng để giúp người dân biết cách nhận diện, phòng ngừa tránh bị lừa mất tiền, tài sản. Phóng viên Trung tâm Truyền thông – Văn hóa Bắc Yên đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Khanh, Phó trưởng Công an huyện Bắc Yên về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết tình hình tội phạm lừa đảo, nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trên địa bàn huyện Bắc Yên thời gian gần đây diễn ra như thế nào?
Thượng tá Nguyễn Văn Khanh trả lời phỏng vấn
Thượng tá Nguyễn Văn Khanh: Tình hình tội phạm công nghệ cao trong thời gian gần đây diễn biến hết sức phức tạp, tăng cả về quy mô và số lượng, hậu quả gây ra cho người dân ngày càng lớn. Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung, huyện Bắc Yên nói riêng đã xảy ra trường hợp tội phạm công nghệ cao lừa đảo làm cho người dân thiệt hại số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Trên địa bàn huyện Bắc Yên từ đầu năm đến nay đã xảy ra một trường hợp, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố, điều tra và xử lý.
Phóng viên: Trước thực trạng trên, lực lượng công an huyện Bắc Yên đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ ra sao để xử lý, trấn áp loại tội phạm này?
Thượng tá Nguyễn Văn Khanh: Căn cứ vào thực trạng tội phạm công nghệ cao diễn ra trên địa bàn, trong thời gian vừa qua, Công an huyện Bắc Yên đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tuần tra, rà soát trên các trang mạng xã hội, qua đó để phát hiện ra các trang web, địa chỉ độc, lạ do các loại tội phạm lập ra để vô hiệu hóa các trang web này, thứ hai là để tuyên truyền, phổ biến đến người dân không truy cập vào các trang mạng cũng như là các phần mềm độc do các tội phạm lập ra để có hình thức lừa đảo đối với người dân; Chỉ đạo Tổ hình sự và Công an các xã, thị trấn ứng trực 24/24 để kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân sau khi có tình trạng bị lừa đảo trên mạng xã hội xảy ra để kịp thời điều tra, xử lý theo dấu vết nóng, kịp thời phong tỏa tài khoản khi những đối tượng này chưa kịp chuyển tiền sang các tài khoản khác.
Lực lượng Công an huyện Bắc Yên tuyên truyền cho người dân
về các phương thức lừa đảo trên không gian mạng
Phóng viên: Việc phát hiện, xử lý, trấn áp đối với loại tội phạm này gặp phải những khó khăn gì thưa đồng chí?
Thượng tá Nguyễn Văn Khanh: Sau khi tiếp nhận các tin báo liên quan đến vấn đề về lừa đảo tài sản trên các trang mạng xã hội, việc truy nóng các dấu vết, điều tra, xử lý rất khó khăn. Vì các đối tượng này thường máy chủ đặt ở trong nước cũng có thể ở nước ngoài và có sự tham gia của các đối tượng có kỹ thuật cao về tin học mà là người nước ngoài tham gia, vì vậy rất khó khăn trong công tác điều tra, xử lý cũng như là thu hồi tài sản đối với người dân đã bị lừa đảo trên các trang mạng xã hội.
Phóng viên: Đối tượng mà loại tội phạm này nhắm đến chủ yếu là những ai thưa đồng chí?
Thượng tá Nguyễn Văn Khanh: Những người mà các đối tượng lừa đảo nhắm đến là những người thường xuyên, có tần suất cao truy cập mạng xã hội, thứ hai là người có hoạt động mua bán trao đổi, thứ ba nữa là có thể xảy ra đối với những người thường có tiền trong tài khoản, không ngoại trừ cả những cán bộ, những người có kiến thức, những người thường có dư số tiền trong tài khoản, đây là những người mà các đối tượng thường nhắm đến.
Phóng viên: Vậy theo đồng chí, đâu là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất để người dân biết cách nhận diện và phòng ngừa?
Thượng tá Nguyễn Văn Khanh: Trong thời gian qua chúng tôi đánh giá thì công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân là một trong những giải pháp quan trọng nhất, bởi mỗi người dân khi tham gia các trang mạng xã hội thì họ đã có kiến thức cơ bản để họ biết cách phân biệt khi truy cập vào các trang mạng có sự nghi ngờ, để không truy cập cũng như không tải ứng dụng, sử dụng các phần mền độc lạ và đồng thời họ có kiến thức, khi họ gặp các trang mạng độc lạ này sẽ kịp thời cung cấp cho các cơ quan chức năng để lực lượng chức năng hướng dẫn cách xử lý để phòng tránh việc truy cập vào các phần mềm độc, để không bị mất thông tin cá nhân hoặc mất tài sản trong tài khoản ngân hàng.
Phóng viên: Cảm ơn đồng chí về những chia sẻ vừa rồi./.
Tác giả: Hoàng Sây - Phạm Phượng (Trung tâm TT-VH Bắc Yên)