XÃ TẠ KHOA
Lượt xem: 3510

I. TỰ NHIÊN – DÂN CƯ

1. Tự nhiên

Tạ Khoa là xã vùng cao, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.  Ở phía nam huyện Bắc Yên, độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 120-680 m. Tọa độ địa lý từ 210916’’ độ vĩ bắc đến 10402244" độ kinh đông. Tứ cận: Phía đông, đông bắc đông nam giáp với xã Song Pe; phía tây giáp với xã Hua Nhàn; phía tây nam giáp với xã Phiêng Côn; phía nam và đông nam giáp với xã Chiềng Sại; phía bắc và tây bắc giáp với xã Mường Khoa; phía đông giáp với xã Chim Vàn. Từ huyện lỵ đến Uỷ ban nhân dân xã dài 34 km.

Tổng diện tích tự nhiên 7.304,58 ha, trong đó đất nông nghiệp 3.865,94 ha (đất SX nông nghiệp 1.328,45 ha, đất lâm nghiệp 2.535,41ha và một số loại đất khác 2,08 ha), đất phi nông nghiệp 669,60 ha (đất chuyên dùng 582,20 ha, đất ở 37,68 ha và một số loại đất khác 49,72 ha), đất chưa sử dụng 2.769,04 ha[1]. Đất đai phù hợp sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Nhiệt độ trung bình hàng năm 250C. Thường nóng nhiều vào các tháng 4 đến tháng 7. Thường lạnh nhiều vào các tháng cuối tháng 11 đến cuối tháng 2 năm sau. Thường nắng nhiều vào tháng 4 đến tháng 9. Thường mưa nhiều vào tháng 6 đến tháng 8. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.400 mm/năm.

Xã có sông Đà chảy qua từ bản Tà Đò A qua bản Nhạn Nọc đến bản Sập Việt dài 18 km. Suối Sập từ Nong Mợi bản Pá Khôm xã Hua Nhàn qua bản Sập Việt ra sông Đà dài 16 km. Suối Sát từ Mú Cương bản Co Mị qua Nhạn Nọc ra sông Đà dài 10 km. Suối Nhạn từ Tin Tốc đi qua bản Nhạn Cuông, Co Muồng, Co Mị, Nhạn Nọc ra sông Đà dài 17 km. Sông, suối là nguồn nước tự nhiên cho sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc trong xã. Về thiên tai,  năm 2008, cơn bão số 6 làm chết 01 người ở bản Nhạn Cuông, bị thương 02 người, 02 nhà lớp học bị sạt lở, vùi lấp, 05 nhà dân bị trôi hoàn toàn, 24 nhà dân bị hư hỏng nặng phải di dời, 56 nhà dân bị hư hỏng phải di dời, bị trôi 30 thuyền,01 ô tô tải ở bản Nhạn Nọc. Năm 2010 do nắng nóng, hạn hán kéo dài gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng thu hoạch các loại cây trồng và hoa màu của nhân dân trong toàn xã giảm 87%. Năm 1957 đã xảy ra cháy nhà của 06 hộ dân bản Co Mị do người dân đi soi đêm sơ suất làm rơi tàn lửa; năm 1967 cũng tại bản bản Co Mị, do trẻ nhỏ nghịch lửa làm cháy 12 nhà dân, năm 1969 xảy ra cháy 70 nhà dân ở bản Sập Việt, nguyên nhân do sơ suất của người dân khi sử dụng bếp lửa; năm 1999 xảy ra cháy ở bản Co Muồng làm cháy nhà của 7 hộ dân, 01 trẻ nhỏ 6 tuổi bị chết, nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, khô hanh và gió lốc, người dân sơ suất.

Xã Tạ Khoa có núi Tà Vạ cao 725 m ở phía đông nam của bản Co Mị; có diện tích rừng tái sinh 2.258,55 ha, diện tích rừng trồng 276,86 ha, độ che phủ của rừng chiếm 47% tổng diện tích tự nhiên.

2. Dân cư

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2009, dân số các dân tộc xã Tạ Khoa như sau:

Thứ tự

Dân tộc

Nữ

Nữ

Tổng cộng

1

Kinh

44

41

85

2

Tày

4

3

7

3

Thái

483

500

983

4

Mường

966

986

1 952

5

Mông

441

440

881

6

Dao

3

 

3

7

Pà Thẻn

1

 

1

Tổng cộng

1 942

1 970

3 912

 

 

Đến 31/12/2015 xã Tạ Khoa có 9 đơn vị dân cư, 882 hộ, 4.172 nhân khẩu  (nam 2.079 người, nữ 2.093 người)[2]:

 

TT

Tên bản

Số hộ

Số nhân khẩu

Cách trung

tâm xã (km)

1

Tà Đò (Mường) 

99

420

24

2

Tà Đò (Mông) 

49

300

19

3

Bản Nong ọ B

87

457

14

4

Bản Co Muồng  

124

520

6

5

Bản Nhạn Nọc 

117

554

2

6

Bản Sập Việt

254

1224

13

7

Bản Nhạn Cuông  

63

258

8

8

Bản Suối Hẹ 

24

165

12

9

Bản Cò Mỵ

65

274

4

Tổng số

882

4.172

 

 

 

II. KINH TẾ – VĂN HÓA – XÃ HỘI

1. Kinh tế

Nguồn thu nhập của xã từ trồng ngô (863,95 ha), sắn (310 ha), lúa nước (29,13 ha), rau, đậu các loại (18,1 ha), chăn nuôi gia súc, gia cầm… Những vật nuôi chính là trâu, bò, dê, lợn, gà vịt. Đánh bắt cá sông Đà, cá suối, cá ao. Xã có công trình thủy lợi bản Nhạn Cuông, công trình thủy lợi bản Co Muồng, công trình thủy lợi bản Co Mị. Xã có các trang trại nhỏ của các hộ gia đình như chăn nuôi bò, lợn, gia cầm và nuôi cá lồng. Người dân Tạ Khoa còn giữ các nghề truyền thống như đan lát, dệt vải, dệt thổ cẩm, thêu, rèn nhưng không phát triển, chủ yếu sản xuất để phục vụ gia đình. Xã chưa có điểm bưu điện văn hóa, 9/9 bản chưa có đường điện thoại cố định. Chợ phiên sông Đà tại bản Nhạn Nọc, bản Sập Việt chủ yếu bán buôn bán lẻ hàng tạp hóa và mua bán nông sản, gia súc, gia cầm.

Trong những năm qua, xã đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế bằng nhiều nguồn vốn của các dự án, chương trình 30a, 327, 135, và các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ... như điện - đường - trường - trạm, nước sinh hoạt, hỗ trợ các hộ gia đình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, kinh tế trên địa bàn xã có sự chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân được ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 17%/năm, bình quân thu nhập đầu người của xã 12,6 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 31,65% (cuối năm 2015).

2. Văn hóa

Di tích lịch sử, văn hóa có Trụ sở kháng chiến lâm thời tại Tà Vạ bản Co Mị; Nhà bia tưởng niệm tại trung tâm xã. Những trò chơi dân gian phổ biến ở xã có xòe, đánh cồng chiêng, thổi sáo, thổi khèn, hát đối, hát ví, ném còn.

Xã có hang Thẳm Puốc (thuộc địa phận bản Co Mị) có sức chứa khoảng 100 người, trước đây là nơi trú chân của bộ đội và lực lượng du kích.

9/9 bản có đội văn nghệ và 01 đội văn nghệ xung kích của xã thường xuyên luyện tập và tổ chức giao lưu tại các bản và các xã trong huyện nhân dịp các ngày lễ lớn, ngày tết với nội dung ca ngợi Đảng, Bác, mừng xuân, mừng đất nước, ca ngợi xã, bản làng đổi mới, ca ngợi tình đoàn kết, ca ngợi sản xuất và mừng được mùa. Đồng bào các dân tộc yêu thích múa, xòe, đánh cồng chiêng, thổi sáo, thổi khèn, hát đối, hát ví, trò chơi ném còn.

3. Giáo dục

Năm học 2014-2015 xã có 01 trường mầm non, 11 lớp mẫu giáo với 215 học sinh, 17 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 01 trường tiểu học, 26 lớp  425 học sinh, 35 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 01 trường trung học cơ sở có 10 lớp 274 học sinh, 24 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất có 11 phòng học mẫu giáo, 26 phòng học tiểu học, 10 phòng học THCS.

4. Y tế, Thể thao

       Trạm y tế xã có 01 nhà làm việc cấp 4 với 6 phòng, 05 giường bệnh, 7 cán bộ y tế, trên địa bàn xã có 8 nhân viên y tế bản, hàng năm khám, điều trị cho khoảng 1.699 lượt bệnh nhân.

Xã có 04 sân bóng (01 sân bóng đá, 03 sân bóng truyền) tại các trường học nhưng chưa đảm bảo kỹ thuật, mới chỉ là mặt bằng, nền đất. Những môn thể thao dân gian ở xã có bắn cung, cưỡi ngựa, đấu vật, bắn nỏ. Người trẻ ở xã còn yêu thích các môn thể thao mới như: bóng chuyền, cầu lông, bóng đá. Các đội bóng đá, bóng truyền, cầu lông tại các bản và trường học được duy trì hoạt động thường xuyên.

 

III. LỊCH SỬ

Trước cách mạng tháng 8/1945, Tạ Khoa thuộc phìa mường Sách Lâm, huyện Yên Châu. Sau cách mạng tháng 8/1945, xã Tạ Khoa được thành lập, ông Quàng Văn Nhót làm Chủ tịch đầu tiên. Sau chiến dịch Tây Bắc, từ năm 1953 đến tháng 4/1955 địa bàn Tạ Khoa thuộc huyện Yên Châu.  Theo Quyết định số 20/QĐ-TC ngày 21/7/1959 của Ủy ban hành chính Khu tự trị Thái - Mèo chia lại địa dư các xã của huyện Yên Châu, xã Tạ Khoa bao gồm có 14 bản, trụ sở xã đặt tại bản Phúc.

Quyết định số 18-CP ngày 16/01/1979 của Hội đồng Chính phủ, chia xã Tạ Khoa thành 2 xã là Tạ Khoa và Mường Khoa. Quyết định số 105-CP ngày 13/3/1979 của Hội đồng Chính phủ, sáp nhập 4 xã của huyện Yên Châu là Tạ Khoa, Mường Khoa, Phiêng Côn, Chiềng Sại vào huyện Bắc Yên. Nghị định số 47/2008/NĐ-CP ngày 17/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ tách một số bản của xã Tạ Khoa thành lập xã Hua Nhàn. Từ đó đến nay xã Tạ Khoa gồm có 9 bản.

Năm 1949, chi bộ Đảng Tạ Khoa được thành lập, đồng chí Trần Hạnh làm bí thư. Tháng 3/1960, Đảng bộ xã Tạ Khoa thành lập và tổ chức đại hội lần thứ I. Từ đó đến nay Tạ Khoa đã qua 18 kỳ đại hội. Hiện nay Đảng bộ có 14 chi bộ trực thuộc, 266 đảng viên.

 Trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân các dân tộc Tạ Khoa đóng góp sức người, sức của và hoàn thành mọi nghĩa vụ với Nhà nước, góp phần vào công cuộc giải phóng quê hương, đất nước. Hàng chục thanh niên của xã lần lượt lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các chiến trường.

Xã Tạ Khoa có 4 mẹ Việt Nam Anh hùng: Lừ Thị Tơm, Lừ Thị Nghiếm, Lừ Thị Đăm, Lừ Thị U.

Xã có ông Lừ Văn Lày, sinh 1960 dân tộc Thái, làm Phó bí thư thường trực huyện ủy khóa XIV, XV; Chủ tịch HĐND huyện khóa XVI. Ông Hoàng Trọng Mếnh, sinh năm 1938, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện. Có 40 liệt sỹ và 05 thương binh.

Các tập thể, cá nhân của xã được Nhà nước tặng thưởng: 11 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 16 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 16 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 09 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, 12 Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Bằng khen Chính phủ 01 người, bằng khen của tỉnh 146 cá nhân và tập thể. Giấy khen của tỉnh, huyện, các ngành của tập thể, cá nhân trên 2.000 giấy khen. Năm 2015 Đảng bộ xã đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh 5 năm liền.

 


[1] Nguồn: Sở Tài nguyên và Mội trường Sơn La.

[2] Nguồn: - Số hộ, số nhân khẩu theo Cục Thống kê Sơn La

               - Khoảng cách từ trung tâm xã đến các bản theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Yên .

 

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập