Truyền thống văn hóa các dân tộc Bắc Yên
Lượt xem: 2737
Dưới thời Pháp đô hộ, đồng bào các dân tộc Bắc Yên hầu hết mù chữ; chỉ một số ít con cái của phìa tạo được đi học hết cấp tiểu học, nhưng phải đi tận Quang Huy (Phù Yên) hoặc lên Chiềng Lề (Sơn La) để học. Các xã thuộc Bắc Yên không có một trường học nào. Nhân dân hầu hết mù chữ là do chính sách ngu dân để dễ bề nô dịch, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến. Trong khi đó nạn cờ bạc, nghiện hút, mê tín, dị đoan lại phát triển, đầu độc cuộc sống vốn đã khốn khổ của người dân. Người dân ốm đau không bệnh xá, không có thầy thuốc để chữa trị, mà chủ yếu dựa vào thầy mo cúng bái và thuốc nam. Nạn tảo hôn rất phổ biến, các loại dịch bệnh như dịch tả, thương hàn, đậu mùa, bại liệt, sốt rét... hoành hành, đe doạ tính mạng con người, thậm chí đe doạ mạng sống của cả bản, cả mường.


Mặc dù trong xã hội phong kiến, thực dân, cuộc sống lầm than, vất vả, nhưng đồng bào các dân tộc ở Bắc Yên hết đời này đến đời khác vẫn ra sức xây dựng nên một nền văn hoá đặc sắc, với những nét độc đáo, tạo thành một truyền thống văn hoá phong phú, tốt đẹp, không ngừng được gìn giữ và phát huy.

Trải qua hàng ngàn năm, nhân dân các dân tộc ở Bắc Yên vẫn còn lưu giữ, truyền tụng những câu dân ca, tục ngữ phong phú, những truyện thơ, trường ca, sử thi, thế hiện lòng tự hào về sức sống mãnh liệt, về lịch sử gian khổ và anh dũng của dân tộc mình, hoặc phản ánh về phong tục tập quán, về đời sống và sản xuất, về tình yêu lứa đôi, về những khát vọng muôn đời của con người.

Người Mông có truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán đặc sắc, bền vững gắn với tín ngưỡng tôn giáo cổ truyền, với ý thức đồng tộc mạnh mẽ và tinh thần dân tộc cao, thể hiện rất độc đáo trong quan hệ gia đình, quan hệ dòng họ và quan hệ dân tộc với những giá trị nhân văn cao đẹp, yêu mến con người, cần cù, sáng tạo trong tạo lập cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, truyện thần thoại, cổ tích, Nàng dợ - trà tăng, thơ cổ, tục ngữ, kịch nói, dân ca, thổi sáo, múa khèn, tang ca, tình ca, phản ánh rất sâu sắc tư tưởng và tình cảm, tạo nên ý thức cộng đồng sâu sắc.

Người Thái có đời sống văn hoá tinh thần phong phú, thông qua các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng truyền thống, ca hát, khắp, múa, sống chụ son sao, Quắm tố mương, Chương han, Khạn lụ - nàng ủa,...họ có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Người Mường có nhiều lễ hội trong năm và có kho tàng văn hóa dân gian phong phú, nhiều thể loại như truyện kể, thơ, bài mo, dân ca, hát đối (đang Mường). Huỳ Nga - Hai mối, út Lốt - hồ liêu,...họ có nhiều loại nhạc cụ như: sáo, nhị, khèn lù, khèn bè. Cồng là nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Mường được dùng trong các lễ hội. Lễ ca là những áng mo, bài khấn do thầy mo đọc trong đám tang, nổi tiếng nhất là bài Đẻ đất đẻ nước (Té tất Té đác). Người Mường thờ cúng tổ tiên, ông bà. Sinh hoạt văn hoá của người Mường cũng đa dạng với những điệu múa, ca khúc và trò chơi dân gian độc đáo, đời sống tinh thần phong phú, nhiều ca dao, tục ngữ, văn hóa dân gian, có ý thức bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống.

Các sắc thái văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc thể hiện đậm nét trong kho tàng văn học dân gian, trong các lễ hội truyền thống, qua cả trang phục, những nếp váy áo với những màu sắc, hoa văn,... Nhiều vũ điệu truyền thống của các dân tộc được duy trì và phát triển như xoè, trống chiêng, múa sạp, múa được mùa, múa trồng bông dệt vải của dân tộc Mường, dân tộc Thái, múa chông của dân tộc Dao, múa khèn của dân tộc Mông... Với những nhạc cụ dân tộc độc đáo như khèn Mông, khèn bè, Pí ôi, đàn môi... say đắm lòng người. Văn hoá các dân tộc còn được thể hiện trên các sản phẩm của lao động sáng tạo như hàng đan lát, dệt thổ cẩm với những hoa văn hình động vật, thực vật được cách điệu đa dạng, đẹp mắt, thể hiện quan niệm cổ xưa về vũ trụ. Ở Bắc Yên, chưa có một tôn giáo nào thâm nhập. Hầu hết nhân dân thờ cúng tổ tiên và tin có thần núi, thần sống. Trước năm 1950 ở vùng Song Pe có đền thờ thần sông Đà (thuồng luồng), hằng năm, cứ ra Giêng, nhà nhà trong vùng sắm mâm lễ bê lên đền thờ cúng, cầu mong thần sông Đà giữ gìn sự yên bình cho nhân dân trong vùng.

Ngày nay, bên cạnh văn hóa truyền thống, những sinh hoạt văn hóa mới, tốt đẹp phát triển, trở thành động lực đoàn kết và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của địa phương.

                                                                          

Tác giả: Hà Phi Hoàn (biên soạn)
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập