Bắc Yên là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La, có địa hình phức tạp với nhiều con suối có lưu lượng nước ổn định. Là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Khi có các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, công tác quản lý và vận hành hồ đập tại các nhà máy đóng vai trò then chốt, đảm bảo hiệu quả và lợi ích bền vững lâu dài.
Đập thủy điện Nậm Chim 1A mùa nước lũ
Theo thống kê, đến nay huyện Bắc Yên có 13 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang hoạt động, với tổng công suất điện hơn 220 MW. Việc phát triển các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã góp phần tăng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp điện, đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng. Các hồ chứa nước không chỉ phục vụ sản xuất điện mà còn có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, việc đầu tư các nhà máy thủy điện đã thúc đẩy mở rộng và nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông đến các bản vùng dự án, góp phần cải thiện hạ tầng địa phương. Để các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ duy trì hoạt động hiệu quả, đảm bảo được lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và không làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương, công tác quản lý và vận hành hồ đập đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
Lãnh đạo cụm nhà máy thủy điện Nậm Chim kiểm tra thiết bị xả nước đập
Ông Vũ Công Minh, Giám đốc nhà máy thủy điện Suối Lừm 1 cho biết:“Nhà máy thủy điện Suối Lừm 1 được đưa vào sử dụng vào năm 2013, ngoài mục đích phát điện thì nhà máy còn cung cấp nước tưới tiêu sản xuất, sinh hoạt cho 2 bản Lừm Thượng A, B. Từ năm 2013 đến nay nhà máy còn phối hợp tốt với chính quyền địa phương luôn đảm bảo lượng nước tưới tiêu. Phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo chạy máy 24/24 giờ để cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất. Ngoài ra nhà máy luôn đảm bảo lượng nước chảy tối thiểu sau đập để đảm bảo nước cho địa phương”
Ngoài nhiệm vụ tích nước và xả nước để phát điện, đảm bảo an ninh năng lượng cho hệ thống lưới điện quốc gia, các hồ đập thủy điện còn phải cân bằng các lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội. Theo nguyên tắc chung, khi vận hành, các nhà máy thủy điện cần duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập để đảm bảo duy trì nguồn nước cho các dòng suối, bảo vệ môi trường; nâng cao an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ. Những năm gần đây, công tác phối hợp giữa các nhà máy thủy điện với chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Công tác quản lý, vận hành tích nước và xả nước tại các hồ đập thủy điện được thực hiện hợp lý hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững.
Lãnh đạo huyện Bắc Yên kiểm tra công tác quản lý, vận hành đập, hồ thủy điện Háng Đồng
Ông Hà Văn Hoành, Phó chủ tịch UBND xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên nói: “Xã có 2 thủy điện là Suối Lừm 1 và Suối Lừm 3, đến vụ canh tác thì công ty luôn luôn phối hợp với xã để thực hiện quy trình xả nước đã cam kết với người dân. Đến thời điểm hiện tại người dân chưa có phản ánh về việc thiếu nước”.
Huyện Bắc Yên có nhiều hồ đập thủy điện, tập trung chủ yếu tại các xã Háng Đồng, Tà Xùa, Hang Chú, Xím Vàng và Làng Chếu, khu vực hạ du chịu ảnh hưởng bao gồm các xã Phiêng Ban, Chim Vàn và Pắc Ngà.
Trong những gần đây, do thời tiết diễn biến phức tạp, các địa phương của huyện Bắc Yên luôn hứng chịu liên tiếp của các cơn bão, gây ra lũ quét, ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng đến dòng chảy các con suối. Tuy nhiên, các hồ thủy điện đã vận hành an toàn và tuân thủ quy trình xả/tích nước tại các hồ đập được cấp thẩm quyền phê duyệt, nên không gây tác động bất lợi cho vùng hạ du, ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy.
Tại dòng suối Nậm Chim giữa 2 xã Xím Vàng và Hang Chú của huyện Bắc Yên có cụm nhà máy Nậm Chim đang hoạt động, gồm: Nhà máy Nậm Chim 1, Nậm Chim 1A, Nậm Chim 1B, có tổng công suất là 36 MW, do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Sông Lam ở Thành phố Sơn La làm chủ đầu tư của dự án. Khi đưa các nhà máy vào hoạt động và vận hành luôn gặp bất lợi do thời tiết, như: Vào mùa mưa luôn xảy ra lũ quét, sạt lở đất vào suối, đến mùa khô thì thiếu nước vào nhà máy. Nhưng lãnh đạo nhà máy luôn nâng cao công tác lãnh đạo, quản lý vận hành nhà máy; phân công công nhân túc trực, xử lý kịp thời các tình huống xấu do thiên tai; xả và tích nước tại các hồ đập hợp lý vừa đảm bảo phát điện, vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân vùng hạ du.
Ông Quàng Văn Hồng, Phó giám đốc cụm nhà máy Nậm Chim cho biết:“Để đảm theo Kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty thì Ban giám đốc cụm Nhà máy Nậm Chim đã triển khai đôn đốc, chỉ đạo các bộ phận, thứ nhất là bộ phận vận hành, quản lý hồ chứa trực 24/24, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khi thời tiết xấu và mùa khô hạn. Đồng thời luôn luôn đảm bảo dòng chảy tối thiểu sau đập để đảm bảo môi sinh cho môi trường, cũng như sản xuất tới vùng hạ du của nhà máy”.
Trong quá trình vận hành, các nhà máy thủy điện đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với ngành nông nghiệp huyện và các địa phương thực hiện đồng bộ quy trình tích nước, xả nước trong quá trình phát điện để đảm bảo cấp nước cho hạ du. Đặc biệt trong quá trình điều tiết nước trong mùa mưa lũ và mùa khô luôn xả và tích nước hài hòa để không làm ảnh hưởng đến các lợi ích của doanh nghiệp và người dân.
Ông Hà Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Chim Vàn, huyện Bắc Yên: “UBND xã đã tổ chức làm việc với các đơn vị thủy điện đóng trên địa bàn thực hiện việc cam kết đảm bảo nước sản xuất và nước sinh hoạt cho bà con. Qua làm việc thì thủy điện cũng đã thực hiện đúng như cam kết, một là ưu tiên cho nước sinh hoạt và hai là ưu tiên cho nước sản xuất. Đến thời điểm hiện tại cơ bản nhân dân ở các bản như Chim Thượng, Nà Tiến và Suối Tù diện tích đất được canh tác là đạt 100%”.
Với những kết quả đạt được, các nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện Bắc Yên đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành các hồ đập, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đảm bảo hài hòa công tác bảo vệ môi trường, cũng như đời sống của người dân, đóng góp quan trọng vào công tác thu ngân sách trên địa bàn và đảm bảo an ninh năng lượng tại địa phương.