Bắc Yên phấn đấu giảm thiểu tác hại của bệnh dại
Lượt xem: 335
Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Y tế huyện, trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Bắc Yên xảy ra tình trạng người dân bị chó cắn phải đến Trung tâm để tiêm phòng bệnh Dại. Trong đó, năm 2020 là 125 trường hợp, 8 tháng đầu năm 2021 là 110 trường hợp. Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ảnh hướng lớn đến sức khỏe, tâm lý và tính mạng của người bị chó, mèo dại cắn.



Tình hình bệnh dại trên thế giới và ở Việt Nam

Bệnh Dại là mối đe dọa phổ biến trên toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh Dại tại trên 100 quốc gia (trong đó, 99% trường hợp người tử vong do nhiễm vi rút Dại từ chó; 40% là trẻ em dưới 15 tuổi; 95% ca tử vong là ở Châu Á và Châu Phi) và 29 triệu người phơi nhiễm với bệnh Dại và phải đi điều trị dự phòng (trong đó 40% là trẻ em từ dưới 15 tuổi ở các nước Châu Á và Châu Phi), gây tổn thất kinh tế ước tính khoảng 8,6 tỷ Đô la Mỹ. Cũng theo WHO, nếu không được điều trị dự phòng, con số tử vong vì bệnh Dại có thể lên tới hơn 330 nghìn người mỗi năm. Ở Châu Á, mỗi năm có khoảng 26 triệu người được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, trong đó riêng Trung Quốc là 15 triệu. Tại Châu Âu, số lượng người đi điều trị dự phòng hàng năm khoảng 71.500 người.  Ở Việt Nam, hàng năm có trên 500.000 lượt người bị chó cắn phải điều trị dự phòng, và con số này ngày càng gia tăng với 28%/năm. Trung bình mỗi năm có 75 người tử vong do chó dại cắn.

Bệnh dại là gì?

Bệnh Dại là bệnh do vi rút thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus, có vật liệu di truyền là sợi ARN đơn, âm, cấu tạo lớp vỏ ngoài là Lipoprotein gây ra. Bệnh Dại ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của các loài động vật có vú và người. Vi rút Dại tập trung nhiều ở trong nước bọt và não của động vật bị nhiễm bệnh. Vi rút Dại lây truyền qua nước bọt, các chất bài tiết có nhiễm vi rút Dại ở vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh Dại, thường là chó chiếm trên 95%.

Nguồn vi rút Dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng như chó sói, chó rừng, chó nhà, mèo, chồn, cầy, cáo, chuột và động vật có vú khác. Chó được coi là ổ chứa vi rút dại ở động vật nuôi có vai trò quan trọng nhất truyền bệnh dại cho người. Một số loài động vật gần người như trâu, bò, lợn, dê, cừu, ngựa cũng có thể bị mắc bệnh dại và trở thành nguồn truyền bệnh tạm thời nhưng ít lan truyền bệnh.

Thời gian ủ bệnh Dại có thể từ vài ngày đến vài tháng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng và độc lực của vi rút, tình trạng của vết thương, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Các biểu hiện lâm sàng ở chó nghi mắc bệnh Dại thường chia thành 2 thể là thể điên cuồng và thể dại câm (liệt). Đôi khi có cả 2 thể lâm sàng xen kẽ nhau, thời gian đầu có biểu hiện điên cuồng, bị kích động rồi sau đó chuyển sang trạng thái liệt; cụ thể là: Thể điên cuồng và Thể dại câm,

Thể điên cuồng: các phản xạ vận động bị kích thích mạnh, cắn sủa người lạ dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài, dữ tợn, điên cuồng (2-3 ngày sau khi phát bệnh). Con vật bỏ nhà ra đi và thường không trở về; trên đường đi, gặp vật gì lạ cắn gặm, ăn bừa bãi, tấn công các con vật khác, kể cả người. Chó chết do liệt cơ hô hấp và do kiệt sức vì không ăn uống được.

Thể dại câm: Con vật có thể bị liệt ở một phần cơ thể, nửa thân hoặc 2 chân sau, thường là liệt cơ hàm, nước dãi chảy lòng thòng; con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng.

Tất cả các con chó bị mắc bệnh Dại đều chết trong vòng 10 ngày kể từ khi có triệu chứng Dại đầu tiên. Một khi các triệu chứng lâm sàng đã xuất hiện, tỷ lệ tử vong là 100% đối với cả động vật và con người.

 

Đường lây truyền bệnh Dại

Bệnh lây truyền chủ yếu qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và thông qua vết cắn, vết liếm (trên vùng da bị tổn thương hoặc vùng niêm mạc) vào cơ thể. Ngoài ra vi rút Dại còn có thể lây truyền qua tiếp xúc các vết thương hở, niêm mạc với nước bọt, mô não, dịch cơ thể có chứa vi rút dại; hít phải giọt khí dung chứa vi rút ở trong không khí môi trường phòng thí nghiệm, hoặc trong hang có dơi bị nhiễm dại. Một số ít các trường hợp  lây truyền  bệnh Dại từ người sang người qua ghép tạng, ghép giác mạc và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị Dại.

Các giải pháp để phòng bệnh Dại

Có ba giải pháp chính để loại trừ bệnh Dại trên người:

Một là: Tiêm phòng cho đàn chó, mèo, đặc biệt ở những khu vực nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm phòng liên tục trong nhiều năm phải đạt trên 70% tổng đàn chó, mèo, đối với vùng nguy cơ cao tỷ lệ tiêm phòng phải đạt phải trên 90%. Đây là giải pháp duy nhất để làm gián đoạn vĩnh viễn chu kỳ truyền lây của bệnh Dại giữa động vật và người;

Hai là: Tiêm vắc xin phòng bệnh cho người có nguy cơ cao nhiễm bệnh Dại;

Ba là: Tiêm huyết thanh kháng Dại cho người bị chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn.

Bệnh Dại thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. Theo Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, bệnh Dại thuộc danh mục các bệnh động vật trên cạn, bệnh truyền lây giữa động vật và người, bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh, bệnh phải tiêm phòng bắt buộc bằng vắc xin.

Nhằm Kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại, UBND huyện Bắc Yên yêu cầu UBND các xã, thị trấn và người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật trong việc phòng, chống bệnh Dại ở chó, mèo.

Hiện nay, Trung tâm DVNN huyện Bắc Yên đã cấp phát trên 8.400 liều vắc xin tiêm phòng dại cho chó mèo đến các xã, thị trấn. Các hộ gia đình có nuôi chó, mèo liên hệ với chính quyền địa phương để thực hiện nghiêm việc quy định tiêm phòng dại cho chó, mèo.


 

Tác giả: Thái Dương
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập