Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Yên mổ thành công ca đờ tử cung sau sinh
Lượt xem: 1285
Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Yên vừa mổ thành công một ca đờ tử cung, biến chứng sau sinh. Đây là ca diễn biến sau sinh phức tạp nhất từ trước đến nay tại bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Yên. Sự thành công của ca mổ ngay trong đêm, có sự góp công sức của rất nhiều cán bộ Y bác sỹ của bệnh viện, đã kịp thời hiến máu cứu người. Việc làm có ý nghĩa thiết thực này thêm một lần nữa khẳng định truyền thống quý báu từ bao đời "Lương y như từ mẫu".

Toàn cảnh Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Yên

 

Đừng làm việc tốt một mình

Hãy làm việc tốt cùng nhau!

 

Đã 26 năm gắn bó với nghề, Bác sỹ chuyên khoa I, Nguyễn Thị Lan đã chứng kiến nhiều ca sinh sản khó và biến chứng, nhưng chưa có ca nào để lại ấn tượng sâu sắc như ca sinh mới gần đây.

Đó là sản phụ Đinh Thị Nức, bản Cao Đa 1, xã Phiêng Ban. Đây là cháu bé thứ 2 của vợ chồng chị Nức. Sản phụ nhập viện lúc 17h30 ngày 11/12/2020, thai 40 tuần chuyển dạ, đến hơn 1h ngày 12/12 sinh thường 1 bé gái nặng 2,7kg. Sau sinh 2h, sản phụ bắt đầu ra máu âm đạo, băng huyết. Huyết áp 58/40 mmHg, mạch 170 lần/ phút.  Kíp trực đã xử trí bằng các thuốc tăng co, tử cung co chắc, nhưng sau một lúc lại nhão trở lại, tình trạng sản phụ diễn biến xấu. Xác định rõ đây là trường hợp Băng huyết do đờ tử cung thứ phát sau sinh, phải bù khối lượng tuần hoàn ngay, cần phải xác định nhóm máu, số lượng máu. May mắn thay, sản phụ nhóm (0). Trong đêm, Ban giám đốc đã kích hoạt hệ thống nhóm máu trong toàn viện. Chỉ trong ít phút không quản đêm đông buốt giá, các y, Bác sĩ, điều dưỡng có mặt sẵn sàng hiến máu, đồng thời hội chẩn khẩn cấp tại chỗ quyết định phẫu thuật cắt tử cung cầm máu.

Bác sỹ chuyên khoa II Trịnh Xuân Trường - Giám đốc bệnh viện cho biết: “Lúc đó mạch 170, huyết áp 60/30, biểu hiện nhợt nhạt mất máu. Tôi đã gọi toàn bộ anh em kíp mổ, cả ban giám đốc, đoàn thanh niên để xét nghiệm máu 5-7 người. Sau khi truyền 3 đơn vị máu, làm đủ các thủ thuật của khoa, tiêm sa đáy tử cung vẫn không ổn, vẫn chảy máu tiếp thì quyết định mổ, cắt tử cung đi thì mới cầm được máu. Huy động tiếp 7,8 cán bộ thì được 6 đơn vị máu, truyền tiếp 2 đơn vị máu mới mổ được. Mình nghĩ mô hình này cần được nhân rộng, không cứ là nhân viên của mình mà các đoàn viên thanh niên có đủ sức khỏe nên giúp đỡ người bệnh thì có thể đăng ký với huyện đoàn để có được ngân hàng máu sống, kịp thời cứu bệnh nhân”.

Sản phụ được đẩy lên buồng phẫu thuật, cũng là lúc có những túi máu của những đồng nghiệp. Vừa truyền máu vừa phẫu thuật. Đóng xong ổ bụng cũng là lúc truyền xong 7 đơn vị máu. Vẻ mặt sản phụ đã hồng lên, huyết áp lên 100/60 mmHg, mọi người bắt đầu thở phào nhẹ nhõm.

 

Em bé của gia đình chị Đinh Thị Nức

 

Đến hôm nay, mẹ con sản phụ Đinh Thị Nức sức khỏe ổn định, chị chia sẻ: “Đến viện cho nó an toàn, cứ nghĩ là đẻ thường thì sẽ không sao; Nhưng không ngờ lại xảy ra sự cố như thế. Rất cảm ơn đội ngũ các y bác sỹ đã hiến máu cho em. Đến nay em cũng thấy đỡ nhiều rồi”.

 

Vợ chồng chị Đinh Thị Nức và Bé mới sinh

 

Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Lan cho biết: “Sau đẻ thì cũng theo dõi rất là sát, tử cung chắc và huyết âm đạo ra ít. Sau đó khoảng 2 tiếng thì xuất hiện chảy máu nhiều ở âm đạo. Sang khám thì thấy tử cung nhão, mặc dù đã được cấp cứu rất là tích cực nhưng tử cung gần như không đáp ứng với thuốc. Sau một thời gian cấp cứu thì máu vẫn chảy nhiều. Cuối cùng vẫn phải quyết định phẫu thuật cắt tử cung để bảo tồn tính mạng cho bệnh nhân. Qua trường hợp này tôi cũng mong muốn là tất cả các chị em phụ nữ khi mang thai phải tiêm phòng đầy đủ, ăn đủ các chất dinh dưỡng, khám định kỳ để phát hiện các bệnh lý của mẹ và thai nhi để có hưởng xử trí và can thiệp cho nó kịp thời, đến ngày sinh đẻ thì tốt nhất là nên đến bệnh viện”.

Đây là lần thứ 2 Bác sỹ Mùa A Sáu trực tiếp hiến máu cứu bệnh nhân. Anh bảo, lúc người bệnh cần, thì mình cứ thế cho thôi, chứ không có suy nghĩ gì ngoài việc “Giọt máu cho đi – Cuộc đời ở lại”. Anh nói: “Tính mạng con người là trên hết, nếu không cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân sẽ tử vong. Tôi thấy tôi đủ sức khỏe và nhiệm vụ cấp bách cần ngay tức khắc để cứu được bệnh nhân. Sau cái việc này tôi chỉ nhắn nhủ là tất cả những người dân; đặc biệt là những người có đủ sức khỏe, biết được những người như thế này thì hãy sẵn sàng cho đi một giọt máu để cứu sống bệnh nhân. Nhắn nhủ đặc biệt là dân tộc vùng cao, đồng bào Mông như chúng tôi cũng chưa hiểu rõ về cái này, đồng bào hãy hiểu rằng cho một gọt máu không ảnh hưởng đến sức khỏe mà sẽ cứu được một người bệnh nhân”.

Hạnh phúc được chia sẻ - hạnh phúc nhân đôi; nỗi buồn được chia sẻ - nỗi buồn vơi đi một nửa; những giọt máu được chia sẻ mang theo “sứ mệnh” từ trái tim ta đến trái tim mọi người, để cuộc sống thêm ý nghĩa hơn, để thể hiện tình nhân ái, tính cộng đồng, giá trị nhân văn sâu sắc và lợi ích của việc hiến máu nhân đạo, mỗi người hãy cùng tham gia hoạt động hiến máu cứu người.


 

Tác giả: Phạm Phượng - Mùa Lầu
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập