Gian nan “gieo chữ” ở vùng cao
Lượt xem: 318
Không ngoa ngôn khi gọi họ là những “chiến sĩ cầm bút, cầm phấn”, bởi nếu không yêu nghề, yêu trò thì khó trụ vững nơi khó khăn đã khiến bao người phải sờn lòng… Thời điểm các thế hệ học trò cả nước đang hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi tiếp tục được cảm nhận sự gian khổ, vất vả cùng những câu chuyện về những người thầy, cô giáo nơi vùng cao Bắc Yên, tỉnh Sơn La.


 Để đi được trong mùa mưa, xe máy của các thầy cô giáo phải cuốn thêm xích


Có đến tận nơi vùng xa xôi của huyện miền núi Bắc Yên, tỉnh Sơn La mới cảm nhận hết sự khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo và học sinh vùng cao. Những câu chuyện của những người trong cuộc thật cảm động và cho thấy biết bao sự gian nan để đưa con chữ lên ngàn.

Thời tiết huyện vùng cao Bắc Yên thật lạ. Sáng sớm vẫn là cái lạnh đặc trưng với những lớp sương trắng dày bao phủ khắp những ngọn núi, trưa đến nhiệt độ tăng dần lên và nắng ấm ngự trị, chiều buông cũng là lúc những đợt gió kéo theo hơi lạnh và sương mù tràn về, khi trời tối hẳn lại là khoảnh khắc của những lớp sương trắng bạc giăng khắp nơi cùng với cái lạnh rúm người… Tôi đến với vùng cao Bắc Yên vào một ngày như thế.

Con đường gieo chữ

Qua điện thoại trao đổi, biết tôi có ý định lên một số xã đặc biệt khó khăn của Bắc Yên, trong đó đích đến là bản Nậm Lộng, Làng Sáng thuộc xã Hang Chú và Háng Đồng, một thầy giáo bảo: “Vừa mưa tối qua không lên được đâu, nhất là bản Nậm Lộng. Phải chờ 2 hôm có nắng mới có thể vào được. Nếu mưa xuống thì đến xe ô-tô 2 cầu cũng phải nằm chờ chứ chưa nói đến xe máy cuốn xích. Còn nếu cần thì đi bộ chắc phải gần ngày đường mới tới nơi”.

Sau 3 tiếng đồng hồ xuất phát từ TP Sơn La, tôi đã có mặt tại thị trấn Bắc Yên. Để đến được trung tâm xã vùng cao Hang Chú còn gần 50 km đường đèo dốc với những khúc cua tay áo. Các thầy giáo cũng dặn “Mùa này sương mù nhiều sẽ khuất tầm nhìn, mặt đường trơn do mưa nên đi đường phải hết sức chú ý…”.

Mặc dù chặng đường lên với xã Hang Chú giờ đây đã trải nhựa từ mấy năm trước, nhưng do thời gian và xe tải qua lại nên nhiều đoạn đã bị xuống cấp, đi lại không được thuận tiện. Do vậy, phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ nghiêng ngả cùng những con dốc, đoạn đường đá với ổ trâu, ổ gà cùng những khúc cua phủ đầy sương mù kèm mưa phùn, tôi mới đến được trung tâm xã Hang Chú.

 

Một đoạn đường “gieo chữ” của các cô giáo mầm non cắm bản Nậm Lộng, xã Hang Chú

 

Đi ô-tô còn thấy vất vả và căng thẳng, huống chi trước đây phải đi bộ 3 ngày đường và giờ là xe máy thì sự vất vả đó phải nhân lên gấp nhiều lần với các thầy cô giáo. Vậy mà, với tình yêu nghề, yêu trẻ, các thầy cô giáo đã hy sinh niềm vui, hạnh phúc riêng để mang con chữ tới miền sương trắng và dốc núi cheo leo.

Trò chuyện với thầy giáo Đặng Văn Đon, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Hang Chú, người cũng đã có hơn 20 năm xa gia đình để gieo chữ vùng cao, được biết: Đa phần các thầy cô giáo ở các xã vùng cao đều phải xa gia đình. Thậm chí, có nhiều trường hợp chồng dạy ở một xã, vợ dạy ở một xã trong mấy chục năm liên tục.

Trong khi đường giao thông đến các xã đã khó khăn một phần thì đường đến các điểm bản còn khó gấp nhiều hơn thế. Có những điểm bản, do đi lại khó khăn, giáo viên phải đi bộ cả ngày đường mới đến nơi. Cũng bởi vậy nên những điểm bản đó nhà trường chỉ “ưu tiên” cho giáo viên nam.

Cô giáo Hà Thị Hưng, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Hang Chú, chia sẻ: Em đã hơn 14 năm liên tục công tác tại xã khó khăn thuộc các huyện trong tỉnh. Mấy năm đầu phải nhờ chồng hoặc đồng nghiệp làm “xe ôm” những lúc lên trường hoặc mỗi dịp về thăm gia đình.

 

 Cô giáo Hà Thị Hưng, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hang Chú đã có hơn 14 năm xa nhà

 

Trao đổi thêm về khó khăn trong đi lại, cô giáo Lường Thị Tươi, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh xã Hang Chú, nói: Do 100% giáo viên là nữ, nên việc đi lại rất khó khăn. Nhất là tại các điểm bản như Nậm Lộng vẫn là đường đất, nhà trường phải căn cứ vào hoàn cảnh gia đình, tinh thần xung phong… để phân công giáo viên vào đó cắm bản. Như tại bản Nậm Lộng, đã 3 tuần nay cô giáo Cà Thị Kim chưa ra ngoài trung tâm được vì mưa. Nhiều lúc cũng muốn gọi điện thoại động viên cô giáo nhưng trong đó lại không có sóng…

Tâm sự nghề

Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện gieo chữ của thầy giáo Lường Văn Cóng, giáo viên xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, người đã hơn 20 năm xa gia đình để dạy học tại các điểm bản khó khăn, trong đó hơn 16 năm gieo chữ tại các bản của Hang Chú. Để hoàn thành nhiệm vụ trồng người, thầy Cóng đã phải đổi tới 5 chiếc xe máy nhằm phục vụ cho việc đi lại. Đã có lần, từ lớp học cắm bản thầy giáo vừa địu con trai hơn 1 tuổi khóc gào trước ngực vừa đèo vợ kêu đau sau lưng trên con đường gồ ghề xuống huyện để khám bệnh.

Thầy Cóng nhớ lại, khi đó là vào ngày nghỉ, thấy vợ đau bụng dữ dội, dùng đủ cách mà bản thân biết về chữa đau bụng nhưng vẫn không hiệu quả, nên quyết định đưa xuống huyện. Mất gần 6 tiếng đồng hồ đánh vật với cung đường từ bản xuống huyện thì mới biết vợ bị đau ruột thừa. Các bác sĩ nói, chỉ chậm một chút nữa là nguy hiểm tới tính mạng, đúng là hú hồn.

Cũng giống như một số xã khó khăn tôi từng tới, tâm điểm của buổi trao đổi với các thầy cô giáo vẫn xoay quanh sự gian nan của những con đường “cõng chữ” hay sự thiếu thốn về cơ sở, vật chất cùng những điều kiện thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày. Tại đây, ngoài lòng say nghề, sự bền bỉ của các thầy cô giáo được coi là vô giá thì những giọt nước cho sinh hoạt hằng ngày cũng giá trị không kém. Nhiều điểm bản cũng bởi nước khan hiếm nên các thầy cô giáo còn xây dựng cả một kế hoạch chung và riêng trong việc dùng nước sinh hoạt hằng ngày.

Thầy giáo Phạm Văn Tại, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Hang Chú, nói: Nhiều điểm trường các thầy giáo chuyên nhiệm vụ gánh nước. Nước sinh hoạt thiếu đến nỗi vào mùa mưa, bất kể là 2 - 3 giờ sáng, có mưa là mọi người hò nhau dậy hứng nước và tranh thủ giặt quần áo. Những lúc đó chỉ ước mưa thật to nhưng cũng lúc đó giật mình thở dài nghĩ tới những đoạn đường lầy lội do mưa mà ngày mai mình sẽ phải đi dạy học tại các khu lẻ...

 

Các xã vùng cao của Sơn La quanh năm được bao phủ bởi sương mù

 

Còn nhớ trong chuyến công tác lên bản Làng Sáng, xã Háng Đồng, giữa đường gặp cô giáo Phàng Thị Kếnh, 18 năm là giáo viên mầm non cắm bản đang khoác ba lô đi bộ lên điểm bản Làng Sáng. Khi đó, cô giáo Kếnh chia sẻ: Có những lúc đi trên đường tủi thân quá cũng khóc. Đêm nằm nhớ gia đình cũng khóc. Có lần 2 con ốm, nghĩ đến cảnh một mình chồng chăm con mà mình thì không giúp được gì cũng khóc. Có thời điểm, các con ốm phải nằm viện, em phải xin nghỉ dài ngày và như vậy đồng nghĩa với việc lớp học trên bản phải nghỉ theo. Bởi cháu đầu nhà em do bị bệnh nên hằng tháng phải xuống Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

Cùng với những khó khăn chưa kể hết về con đường “gieo chữ” của các thầy cô giáo vùng cao, tôi đã gặp những người có thâm niên “gieo chữ” được coi là “quá niên hạn vùng cao”. Đồng nghĩa với đó là họ phải xa gia đình và hy sinh nhiều thứ. Bởi nếu theo quy định với thời gian công tác lâu như vậy tại vùng khó sẽ xin điều chuyển đi vùng thuận tiện. Vì nhiều lý do, có những người đã mười mấy năm liên tục, thậm chí là trên 20 năm vẫn bám trụ với vùng cao…!

 

Tác giả: Quốc Tuấn (CTV)
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập