XÃ HANG CHÚ
Lượt xem: 3015

XÃ HANG CHÚ

 

I. TỰ NHIÊN – DÂN CƯ

1. Tự nhiên

Hang Chú là xã vùng cao, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ở phía bắc huyện Bắc Yên. Độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 1.000-1.600 m. Tọa độ địa lý điểm trung tâm từ 21o22'08" - 21o24'13" độ vĩ bắc, đến 104o20'10" độ kinh đông. Tứ cận: Phía đông và đông nam giáp xã Xím Vàng; phía tây và tây nam giáp xã Pắc Ngà, xã Chim Vàn; phía bắc và đông bắc giáp xã Bản Công (huyện Trạm Tấu - tỉnh Yên Bái); phía tây bắc giáp xã Chiềng Công (huyện Mường La). Từ huyện lỵ đến Uỷ ban nhân dân xã đi theo đường huyện Bắc Yên - Hang Chú dài 56 km.

Tổng diện tích tự nhiên 13.704,92 ha, trong đó đất nông nghiệp 8.538,43 ha (đất SX nông nghiệp 2.275,35 ha, đất lâm nghiệp 6.261,64 ha và một số loại đất khác 1,44 ha), đất phi nông nghiệp 179,68 (trong đó: đất chuyên dùng 115,48 ha, đất ở 19,33 ha và một số loại đất khác 44,87 ha), đất chưa sử dụng 4.986,81 ha[1]. Đất đai phù hợp với sản xuất nông  -lâm nghiệp như làm ruộng bậc thang, trồng cây lương thực (lúa, ngô, sắn), rừng sinh thái, trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật. Nhiệt độ trung bình hàng năm 17 - 20oC. Thường nóng nhiều vào các tháng 5, 6, 7, 8. Thường lạnh nhiều vào các tháng 11, 12 đến tháng 3 năm sau. Thường nắng nhiều vào các tháng 4, 5, 6, 7. Thường mưa nhiều vào các tháng 7, 8, 9. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.400 - 1.500 mm.

Suối Chim dài 18 km chảy dọc ranh giới giữa các xã Hang Chú, Xím Vàn, Chim Vàn. Đây là suối có tiềm năng về đầu tư phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Suối Lừm dài 25 km, chảy dọc theo ranh giới giữa xã Hang Chú, xã Chiềng Công và xã Pắc Ngà, có tiềm năng về phát triển thủy điện. Suối Pa Cư Sáng dài 19 km, chảy dọc giữa địa bàn xã, thuận lợi trong việc đầu tư phát triển thủy lợi và thủy điện. Suối Hang Chú dài 6 km, chảy từ bản Hang Chú đến suối Pa Cư Sáng. Ngoài ra còn có hệ thống các khe suối lớn, nhỏ khác rải rác trên địa bàn xã. Hệ thống suối, khe là nguồn nước tự nhiên cho sản xuất và đời sống nhưng cũng tiềm ẩn những thảm họa thiên tai như đã xảy ra lũ vào năm 2008 và 2010 làm thiệt hại 40% diện tích cây lương thực.

Xã có những núi cao như núi Lo Xênh Sang (theo tiếng địa phương) nằm ở phía bắc của xã, độ cao 2.600 m so với mặt nước biển; núi Hang Nang, cao 1.250 m so với mặt nước biển; núi Hang Cơ-Pa Hốc, cao 1.150 m so với mặt nước biển; núi Chông Cu Vai, cao 1.100 m so với mặt nước biển. Các dốc, đèo như dốc Chú-Xím Vàng dài 5 km, dốc Cơ-Pa Hốc dài 8 km, dốc Nậm Lộng dài 10 km. Xã có diện tích rừng nguyên sinh 4.236,43 ha, rừng tái sinh và khoanh nuôi bảo vệ 1.455,50 ha, rừng trồng 569,71 ha. Độ che phủ của rừng 55% tổng diện tích tự nhiên. Có những loài thực vật quý như pơ mu, dổi, nghiến, mộc nhĩ, nấm hương và một số loại cây dược liệu quý hiếm khác... Có những loài động vật quý hiếm: gấu, hoãng, lợn rừng, sơn dương, khỉ, chim...

2. Dân cư

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2009, dân số các dân tộc xã Hang Chú như sau:

TT

Dân tộc

Nam

Nữ

Tổng cộng

1

Kinh

 16

 4

 20

2

Tày

 1

 

 1

3

Thái

 11

 7

 18

4

Mường

 6

 3

 9

5

Hoa

 1

 

 1

6

Mông

1 422

1 397

2 819

7

Dao

 1

 

 1

Tổng cộng

1 458

1 411

2 869

 

 

Đến 31/12/2015 xã Hang Chú có 10 đơn vị dân cư, 589 hộ, 3.255 nhân khẩu (nam 1.657 người, nữ 1.598 người)[2]:

 

TT

Tên bản

Số hộ

Số nhân khẩu

Ở cách trung

tâm xã (km)

1

Bản Nậm Lộng

77

399

3

2

Bản  Pá Đông 

25

172

1

3

Bản Phình Hồ 

42

257

6

4

Bản Hang Chú 

93

526

1

5

Pá Cư Sáng A 

81

439

4

6

Bản Pá Cư Sáng B 

55

277

4

7

Bản Pá Hốc 

86

436

10

8

Bản Suối Lềnh A

60

329

15

9

Bản Suối Lềnh B

34

196

16

10

Bản Suối Lềnh C

36

224

14

Tổng số

589

3.255

 

 

 

II. KINH TẾ – VĂN HÓA – XÃ HỘI

1. Kinh tế

Chủ yếu là nông nghiệp, trồng lúa, ngô, sắn, rong riềng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng táo sơn tra, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Xã có nghề sản xuất rượu và nghề rèn truyền thống, thêu, dệt thổ cẩm. Các loại cây trồng chính có lúa nước 743,1 ha, cây ngô 147,8 ha, cây sắn 62,5 ha (trồng xen với cây ngô). Những vật nuôi chính có trâu, bò, ngựa, dê, lợn, gà. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là lúa, ngô, sắn, gia súc gia cầm, cá suối, cá ao. Sản phẩm lâm nghiệp có gỗ, tre, bương. Cây sơn tra được phát triển, diện tích lớn, có đặc sản rượu mang thương hiệu “Hang Chú”.

Xã có 2 công trình thủy điện vừa và nhỏ ở Nậm Chim I và Suối Lừm. Trên địa bàn xã có tỉnh lộ 112 từ Bắc Yên đi Hang Chú dài 56 km, đường liên xã dài 52 km (loại đường nông thôn). Có tuyến xe khách tại xã và các quầy hàng buôn bán nhỏ trên địa bàn. Bưu điện văn hóa xã có diện tích 60 m2. Những bản chưa có đường dây điện thoại cố định 10/10 bản. Các điểm du lịch tại xã có bãi đá cổ, thuỷ điện Nậm Chim I và Suối Lừm.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1991 - 1995 là 4,8%/năm, giai đoạn 1996 - 2000 là 5,4%/năm, giai đoạn 2001 - 2005 là 7,6%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 là 9,5%/năm, năm 2011, 2014 là 11,5%/năm, bình quân thu nhập đầu người của xã 6,5 triệu đồng/năm. Cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo ở xã còn 47,97%.

2. Văn hóa

Xã Hang Chú còn di tích đồn Pháp đóng quân trước năm 1945, có Di tích quốc gia Bãi đá khắc cổ Khe Hổ, là những điểm đến của khách tham quan du lịch.

Xã có 10 đội văn nghệ ở xã, bản, thường xuyên sinh hoạt và tổ chức giao lưu trong các ngày lễ, tết.

Xã còn những thầy cúng có tiếng như: ông Hờ Cháy Dủa - bản Suối Lềnh B, ông Mùa Tòng Pao - bản Hang Chú, ông Giàng Páo Tủa - bản Nậm Lộng, ông Vừ Tà Dia - bản Nậm Lộng, ông Sồng A Cở - bản Suối Lềnh A, ông Phàng A Di - bản Phình Hồ.

3. Giáo dục

Năm học 2014-2015 xã có 02 trường mầm non, 13 lớp mẫu giáo với 227 học sinh 17 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 02 trường tiểu học, 26 lớp  467 học sinh, 38 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 01 trường trung học cơ sở có 8 lớp 292 học sinh, 22 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất có 13 phòng học mẫu giáo, 26 phòng học tiểu học, 8 phòng học THCS.

4. Y tế, Thể thao

 Trạm y tế xã đặt ở trung tâm xã, có 01 nhà làm việc cấp 4 với 7 phòng, 05 giường bệnh, 5 cán bộ y tế, trên địa bàn xã có 9 nhân viên y tế bản, hàng năm khám, điều trị cho khoảng 1.110 lượt bệnh nhân.

 Những cây thuốc quý, những bài thuốc hay lưu truyền ở xã như chữa rắn cắn: lá bồ cu vẽ; chữa đau dây thần kinh: long nhãn, lá dâu, dậu ván trắng, củ mài; chữa phong thấp (sưng chân): cây phong thấp, đơn gối hạc, mộc thông; chữa bại liệt: phụ tử, bạch phụ tử, tằm gió; chữa thấp khớp: cây trâu cổ, cỏ xước, thổ phục linh, cây tầm xuân, dây rung rúc, thiên niên kiện, rễ gấc, dây đau xương, cành cây dâu; chữa kiết lỵ: lá mơ lông, lá lốt, hạt cau, thường sơn, hạt dành dành; chữa u tiền liệt: cao ban long, bông má đề, nhục quế, cỏ tranh; chữa phổi yếu: bạch linh, đẳng sâm, bạch truột, cam thảo; chữa viên gan: đan sâm, cỏ nọc sởi, hoàng bá, mộc thông, chi tử, chỉ xác, đại hoàng; chữa hen: ma hoàng, hồ tiêu sọ, nhục quế, cam khương, đinh hương; chữa viêm loát dạ dày: ngũ vị cam, bồ cu vẽ, cây me dây; chữa đau bụng, ỉa chảy: lá bồ cu vẽ, lá dấu, lá dối, lá vòng, lá dưa chuột, lá vông vang.

Ở xã còn giữ được những môn thể thao dân gian như bắn nỏ, đánh tu lu, kéo co, đánh quay... Những môn thể thao mới như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông được tổ chức luyện tập thường xuyên và phát triển.

III. LỊCH SỬ

Xã Hang Chú được thành lập tháng 9/1953 thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Từ 5/1955 đến 10/1962, thuộc châu Phù Yên, Khu tự trị Thái – Mèo. Từ 10/1962 đến 8/1964, thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ, Khu tự trị Tây Bắc. Từ 8/1964 đến 12/1975, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Nghĩa Lộ, Khu tự trị Tây Bắc. Từ 1/1976 đến nay, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Tháng 4/1965, chi bộ Đảng xã Hang Chú thành lập, có 3 đảng viên, đồng chí Hạng A Dư là bí thư chi bộ đầu tiên, đồng chí Thào A Di là chủ tịch Uỷ ban hành chính xã đầu tiên. Chi bộ xã Hang Chú từ ngày thành lập đến tháng 5/2000 đã qua 12 lần đại hội. Tháng 01/2003 Đảng bộ xã được thành lập, đến nay đã qua 3 kỳ đại hội. Hiện nay, Đảng bộ xã có 93 đảng viên.

Thu - Đông năm 1953, thực dân Pháp sử dụng một số tên tay sai, tập hợp thành các cụm phỉ chống phá cách mạng. Quân phỉ do thống lý Giàng Páo Của chỉ huy từ Nậm Khắt đánh chiếm Ngọc Chiến và các xã vùng cao của huyện Bắc Yên, trong đó có xã Hang Chú, chúng phát triển lên đến 1.000 tên vào đầu năm 1954. Khu ủy Tây Bắc đã thành lập Ban tiễu phỉ gồm bộ đội chủ lực và tiểu đoàn 176 phối hợp với dân quân các xã tuyên truyền, vận động hàng trăm tên phỉ trở về làm ăn lương thiện, bắt 29 tên tay sai ở khu 99, giải phóng các xã vùng cao của huyện Bắc Yên.

Trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), chi bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, hàng chục thanh niên của xã lần lượt lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các chiến trường. Ở hậu phương cán bộ và nhân dân xã Hang Chú nêu cao tinh thần vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu; các bà mẹ, các chị nêu cao tinh thần "Phụ nữ 3 đảm đang", chăm sóc các cháu thiếu nhi, "Làm nghìn việc tốt", lực lượng dân quân ngày đêm luyện tập vững tay cày tay súng, đóng góp công sức phục vụ chiến đấu. Xã Hang Chú có dân quân trực chiến; phục vụ chiến đấu, đóng góp lương thực; thực phẩm, đào giao thông hào, đào đắp trận địa phòng không; giải toả hàng hoá quân sự. Xã có ông Mùa A Thào, người Mông quê bản Phình Hồ giữ chức Chủ tịch UBND huyện từ 1982-1986.

 Xã có 02 liệt sỹ.

 Các tập thể và cá nhân trong xã được Nhà nước tặng thưởng: 5 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 6 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 10 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 5 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, 9 Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Có 43 bằng khen của tỉnh, trong đó có 20 tập thể và 23 cá nhân. Có 45 giấy khen của huyện, trong đó có 20 tập thể và 25 cá nhân, xã được 3 cờ thi đua dẫ đầu các xã vùng 3 của UBND tỉnh tặng.

 


[1] Nguồn: Sở Tài nguyên và Mội trường Sơn La.

[2] Nguồn: - Số hộ, số nhân khẩu theo Cục Thống kê Sơn La

               - Khoảng cách từ trung tâm xã đến các bản theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Yên .

 

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập