Vị trí địa lý - Địa hình – Dân số, tiềm năng phát triển của huyện Bắc Yên
Lượt xem: 5636


           1. Vị trí địa lý:

Bắc Yên là huyện vùng cao ở phía đông bắc của tỉnh Sơn La, tọa độ địa lý từ 21013’23” độ vĩ bắc đến 104022’09” độ kinh đông. Phía đông giáp huyện Phù Yên; phía tây giáp huyện Mường La và huyện Mai Sơn. Phía nam giáp huyện Mộc Châu và huyện Yên Châu. Phía bắc giáp huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, cách trung tâm thành phố Sơn La 100 km và thủ đô Hà Nội 240 km.

Toàn huyện Bắc Yên có 15 xã (Phiêng Ban, Hồng Ngài, Tà Xùa, Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Song Pe, Chiềng Sại, Phiêng Côn, Tạ Khoa, Mường Khoa, Hua Nhàn, Chim Vàn, Pắc Ngà) và 1 thị trấn.

Với vị trí địa lý là cửa ngõ vùng Tây Bắc, có hệ thống giao thông và đường thủy hồ sông Đà thuận lợi, đã tạo điều kiện và cơ hội để Bắc Yên tăng cường hội nhập và giao lưu kinh tế thương mại, phát triển văn hóa - xã hội…không chỉ với các huyện, tỉnh trong vùng, mà còn giao lưu với các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước.

2. Dân số: Theo kết quả điều tra, năm 2019 dân số Bắc Yên 67.295 nhân khẩu (có 32.975 Nam và 34.320 Nữ), trong đó có 37.720 lao động; mật độ dân số trung bình là 61 người/km2, có 7 dân tộc anh em cùng chung sống: Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú, Kinh và Tày (dân tộc Mông chiếm 45,85% dân số của huyện).

3. Đặc điểm địa hình

Bắc Yên có độ cao trung bình 1.000m so với mặt nước biển, đỉnh núi cao nhất là Phusaphìn cao 2.879m, thấp nhất là vùng hồ sông Đà có độ cao 120 m, có độ dốc lớn, 85%, diện tích có độ dốc từ 25° trở lên, có ít các thung lũng, bãi bằng, địa hình phức tạp, nhiều núi cao, khe suối sâu hiểm trở, đặc điểm địa hình cao dần từ phía đông lên vùng Tây Bắc và được kiến tạo bởi các dãy núi lớn kẹp giữa sông Đà, địa hình phức tạp nhưng có thể chia thành 3 vùng lớn kinh tế: Vùng cao, trục quốc lộ 37 và vùng hồ sông Đà.

4. Khí hậu:

Bắc Yên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lượng mưa trung bình 1.100 – 1.600 mm/năm, độ ẩm 82%; mưa nhiều ở vùng lòng hồ sông Đà và mưa ít dần từ vùng giữa lên vùng cao. Mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm; cũng có năm mưa từ tháng 4 và có năm mưa kéo đến tháng 10.

Vùng cao có độ cao trung bình 1.600m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ về mùa Hè (nhiệt độ trung bình từ 25 - 30°C); mùa Đông rất lạnh (thường từ 2 - 10°C); có năm nhiệt độ xuống thấp tới âm 1 - 2°C, (những năm 1973 - 1975), có tuyết và nước đóng băng; quanh năm sương mù bao phủ dày đặc, nhất là mùa đông.

Vùng dọc quốc lộ 37, nhiệt độ trung bình trong năm từ 30 - 34°C, về mùa Đông nhiệt độ xuống thấp từ 3 - 10°C, là vùng bị ảnh hưởng nhiều của gió mùa Đông bắc và thường có sương muối (từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau); cũng là vùng bị ảnh hưởng gió Lào (từ cuối tháng 3 đến tháng 5 hằng năm); những tháng này thời tiết hanh khô, nước cạn nhất trong năm.

Vùng lòng hồ sông Đà có khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều; nhiệt độ trung bình mùa Hè từ 30 - 35°C; các tháng 5, 6, 7, 8 là những tháng nóng nhất, nhiệt độ lên từ 36 - 38°C. Vùng này bị ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc thổi ngược theo lòng hồ, gió to tạo sóng lớn, gây khó khăn cho hoạt động đi lại của thuyền bè và đánh bắt thuỷ sản.

5. Sông, suối

Bắc Yên có 72 km chiều dài hồ sông Đà với 3.115 ha diện tích có mặt nước đã và đang được khai thác phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hoá, vật liệu xây dựng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và xây dựng các công trình trong khu vực và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng và của tỉnh Sơn La nói chung. Bắc Yên còn có các hồ khai thác các nhà máy thuỷ điện vừa nhỏ, như Suối Sập, Suối Chim, Suối Lừm, Háng Đồng, Hồng Ngài, Phiêng Côn, xây dựng mạng điện lưới quốc gia đến các xã, bản.... và có nhiều suối nước lạnh (dưới 200C), phù hợp với nghề nuôi cá hồi (hiện đang được triển khai tại xã Xím Vàng). Hệ thống thủy lợi chủ yếu là các đập, mương phai nước tự chảy từ các suối. Đã được kiên cố hóa, cơ bản bảo đảm ổn định lượng nước tưới tiêu cho trên 1.000 ha lúa 1 vụ và trên 260 ha lúa 2 vụ. Các công trình nước sinh hoạt tự chảy được xây dựng thành các bể, ống dẫn nước, các mó nước từ các suối, khe suối nhỏ. Đến nay toàn huyện có 103/103 bản có công trình nước sinh hoạt với 95% số hộ được sử dụng. Hệ thống sông, suối, hồ, đập là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải, thủy điện.

Ngoài ra còn có 9 con suối, có chiều dài từ 10 km trở lên với tổng chiều dài trên 217 km. Suối Lừm dài khoảng 25 km bắt nguồn từ suối Chế Đồng, hợp lưu từ suối Nậm Lộng và các con suối nhỏ chảy ra sông Đà, phục vụ nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các xã Hang Chú, Pắc Ngà. Suối Chim dài khoảng 30 km bắt nguồn từ suối Phình Hồ, hợp lưu từ suối Háng Năng, suối Pa Cư Sáng và các con suối nhỏ chảy ra sông Đà cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các xã Hang Chú, Xím Vàng, Chim Vàn. Suối Vàn dài khoảng 23 km bắt nguồn từ suối Sồng Chống, hợp lưu của suối Xím Vàng và các con suối nhỏ chảy ra sông Đà cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các xã Xím Vàng, Chim Vàn. Suối Pe dài khoảng 18 km bắt nguồn từ suối Cao, hợp lưu từ các con suối nhỏ chảy ra sông Đà cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các xã Phiêng Ban, Song Pe. Suối Sập dài khoảng 28 km bắt nguồn từ suối Làng Sáng, hợp lưu từ suối Bẹ và các con suối nhỏ chảy ra sông Đà cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các xã Háng Đồng, Tà Xùa, Phiêng Ban, Hồng Ngài. Suối Sại dài khoảng 10 km bắt nguồn từ suối En, hợp lưu từ các con suối nhỏ chảy ra sông Đà, cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các xã Phiêng Côn, Chiềng Sại. Suối Sập Việt dài khoảng 45 km bắt nguồn từ huyện Mộc Châu qua Yên Châu, hợp lưu từ các con suối nhỏ chảy ra sông Đà, cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các xã Phiêng Côn, Tạ Khoa, Hua Nhàn. Suối Nhạn dài khoảng 18 km bắt nguồn từ bản Hua Nhàn xã Hua Nhàn, hợp lưu từ các con suối nhỏ chảy ra sông Đà, cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân xã Tạ Khoa. Suối Khoa dài khoảng 20 km bắt nguồn từ suối Chẹn, hợp lưu từ các con suối nhỏ chảy ra sông Đà, cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân xã Hua Nhàn, Mường Khoa.

6. Đất đai, thực vật, động vật

Bắc Yên có diện tích tự nhiên là 109.863,74 ha, trong đó: đất nông nghiệp 25.833,56 ha (23,51%); đất lâm nghiệp 42.194,2 ha (38,4%); đất phi nông nghiệp 4.929,22 ha (4,49%), (đất chuyên dùng 3.921,57 ha, đất ở 448,87 ha, đất nghĩa địa là 45,92 ha, đất sông suối là 512,86 ha); còn lại là núi đá, đồi trọc, đất chưa sử dụng 36.906,76 ha (33,60%), độ che phủ của rừng 38,4%.

Đất Bắc Yên rất đa dạng, có độ phì nhiêu cao, thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, có hệ thực vật phong phú, đa dạng. Thảm thực vật chủ yếu là rừng rậm nhiệt đới, gồm các loại cây ưa ánh sáng, nhiệt độ lớn và độ ẩm cao, thích hợp cho trồng lúa nước, cây mầu, cây công nghiệp, chè, táo sơn tra, xoài…, trồng rừng phòng hộ và rừng kinh tế, có thể tận dụng cỏ dưới tán rừng, vườn rừng là lợi thế lớn trong phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê... và các loại gia cầm.

Bắc Yên có tài nguyên rừng khá phong phú với diện tích rừng nguyên sinh đặc dụng 4.696,7 ha, diện tích rừng phòng hộ 19.135,7 ha, diện tích rừng sản xuất 11.851 ha…có những loại cây gỗ quý như pơ mu, sa mu, trò, vàng tâm, lát, dổi...

Quần thể động vật ở Bắc Yên cũng phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loài thú quý hiếm, là nơi cư trú của nhiều loài khỉ, mèo rừng, gà rừng, trĩ sao, gấu, cáo, cầy, hoãng, nai...)

7. Tiềm năng phát triển

Với đặc điểm địa hình, đất đai, khí hậu khá đa dạng, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất, đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm, có khả năng làm xoay chuyển cơ cấu kinh tế - xã hội, tạo động lực và điều kiện để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Từng bước chuyển đổi nền kinh tế từ nông nghiệp là chủ yếu sang nền kinh tế mang tính chất công nghiệp, dịch vụ xanh, tinh; tạo dựng được những cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến nông, lâm sản phẩm, dịch vụ phục vụ sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, liên kết chặt chẽ giữa triển khai nghiên cứu ứng dụng, với sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa. Xây dựng nông nghiệp bền vững, hiệu quả cao theo hướng tăng cường thâm canh nâng cao giá trị sử dụng đất; tận dụng mọi diện tích, nguồn nước, đầu tư thuỷ lợi để khai hoang ruộng nước, nương định canh; giảm diện tích sản xuất cây ngắn ngày, cây lương thực trên đất dốc; chuyển dịch nhanh các diện tích lúa nương, ngô được trồng trên đất dốc bạc màu, kém hiệu quả sang trồng rừng, trồng cỏ chăn nuôi, trồng cỏ chăn nuôi; phát triển mạnh hơn cây họ đậu, rau, màu, chuyển diện tích ruộng 1 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ màu; tăng nhanh diện tích sử dụng giống mới năng suất, chất lượng cao. Tập trung nghiên cứu, đầu tư, tạo dựng rõ nét các mô hình trong sản xuất có hiệu quả ở nông thôn.

Phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản, công nghiệp sản xuất điện, công nghiệp khai khoáng; chế biến một số sản phẩm mới từ nông nghiệp như nước cốt sơn tra, nước giải khát; nước lọc La Sơn, Bắc Sơn; xuất khẩu xoài, nhãn, chè Tà Xùa…; xây dựng dự án và tổ chức thi công xây dựng một số cơ sở công nghiệp quy mô lớn và vừa: mỏ đồng - niken bản Phúc và bản Khoa xã Mường Khoa (diện tích trên 250 ha) có trữ lượng 1.000 tấn quặng với hàm lượng niken (Ni) 3,55%, đồng (Cu) 1,3% (hiện nay đang trong giai đoạn tạm dừng khai thác). Ngoài ra còn có mỏ đồng – niken ở Chiềng Sại, bản Ngậm xã Song Pe, bản Đung, bản Giàng xã Hồng Ngài (diện tích khoảng 300 ha, mỏ chì ở Pắc Ngà, cao lanh ở Làng Chếu, uran, kaolin ở Tà Xùa và mỏ sirisít ở Hang Chú.

Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, quy hoạch và tổ chức bố trí thuận lợi các chợ dọc sông Đà, xây dựng mạng lưới chợ vùng cao; củng cố mạng lưới dịch vụ trên tất cả các lĩnh vực, chú trọng ưu tiên các dịch vụ cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, thu mua hàng nông- lâm sản, hàng tiêu dùng, vui chơi giải trí, vận tải, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, đồng thời với việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch, tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại.

Bắc Yên nằm trong tua du lịch vùng Tây Bắc, được thiên nhiên ưu đãi với những vùng sinh thái đa dạng, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đây là những tiềm năng lớn để phát triển du lịch, đứng soi mình bên hồ sông Đà là những dãy núi đá vôi trùng điệp, cao sừng sững, với hệ thống hang động độc đáo, như ở vùng Song Pe, Chiềng Sại, Phiêng Côn, trong đó ẩn chứa bao vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí về một nền văn hóa sông nước, tuyến du lịch hấp dẫn, bởi cảnh quan kỳ vĩ, một danh thắng "sơn thuỷ hữu tình".

Từ khi công trình Thủy điện Hòa Bình hoàn thành, đã tạo nên vùng lòng hồ, chứa đựng nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, khám phá, du lịch văn hóa lịch sử - tâm linh, du lịch thể thao, mạo hiểm, vui chơi giải trí cao cấp trên mặt nước và phát triển du lịch các xã vùng cao Tà Xùa, Háng Đồng, Pu Nhi, Hang A Phủ - Hồng Ngài, từng bước xây dựng huyện Bắc Yên thành khu du lịch cấp tỉnh là một trong những vệ tinh của khu du lịch quốc gia Mộc Châu, khu du lịch vùng hồ thủy điện Sơn La…, Bắc Yên có đời sống văn hóa tinh thần, phong phú, mang đậm bản sắc của cộng đồng các dân tộc anh em cùng sinh sống như: Thái, Mường, Kinh, Dao, Mông, mỗi dân tộc đều có những sắc thái, phong tục tập quán, nếp sống khác nhau, với các món ẩm thực được chế biến theo phong cách riêng độc đáo; các lễ hội và các điệu múa, điệu xòe truyền thống của dân tộc, có hệ động, thực vật phong phú,... nuôi trồng thủy sản và các loại hình dịch vụ như chợ phiên sông Đà, nhà nghỉ, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng hồ gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị hiện có; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân vùng hồ. Đứng trước tiềm năng, vận hội và sự phát triển mang tính bứt phá, mau lẹ của nền kinh tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần nhanh chóng có những quyết sách, khai thác tiềm năng, thế mạnh trên hồ thủy điện Hòa Bình, đầu tư có tầm chiến lược lâu dài, bền vững, cùng với việc xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, thì việc phát triển du lịch trên hồ thủy điện Hòa Bình, Bắc Yên sẽ là điểm nhấn lý tưởng cho sự phát triển của các nhà đầu tư trong tương lai.

Hồ thủy điện Hòa Bình là nguồn tài nguyên quý giá trên vùng đất Tây Bắc, khu vực phòng hộ xung yếu cho vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà còn là địa bàn có tiềm năng, lợi thế để phát triển rừng nguyên liệu với quy mô 2.888 ha, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản và sản xuất giấy, bột giấy; Ngoài tiềm năng để phát triển một số cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc ăn cỏ, phát triển rừng nguyên liệu, Bắc Yên còn có nhiều lợi thế để phát triển nhiều loại cây, con khác có giá trị kinh tế cao như chè, quả sơn tra, thảo quả, rau sạch, hoa, cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thú quý hiếm với quy mô công nghiệp. Mỗi năm, Bắc Yên thu hoạch từ 20.000 – 25.000 tấn ngô, nguồn nguyên liệu chủ yếu cho công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.

Với những điều kiện tự nhiên đặc thù, Bắc Yên có nhiều tiềm năng phát triển toàn diện kinh tế  - xã hội. Tuy nhiên, cũng còn gặp nhiều khó khăn do địa hình chia cắt, độ dốc lớn, hằng năm thường gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn, đất bị bào mòn, bạc màu, cản trở giao thông đi lại, nhất là dân cư các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa; gây khó khăn cho sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện công công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở địa phương.

                                                                    

Tác giả: Hà Phi Hoàn (biên soạn)
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập