Chủ động phòng, tránh bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ​
Lượt xem: 632
Ngày 19/3/2020, theo thông báo Kết luận của Trung tâm chuẩn đoán Thú y Trung ương, Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã phát hiện 01 trường hợp bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục tại bản En, xã Phiêng Côn. UBND huyện Bắc Yên yêu cầu các cơ quan chức năng, các hộ nông dân trên địa bàn huyện cần chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

 

 

Bệnh viêm da nổi cục còn được gọi là bệnh viêm da nổi cục truyền nhiễm hoặc bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp.     

           Đặc điểm của vi rút gây bệnh

Vi rút gây bệnh viêm da nổi cục thuộc họ Poxviridae, chi Capripoxvirus, cùng chi với vi rút gây bệnh đậu trên dê, cừu. Vi rút viêm da nổi cục rất ổn định, tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô; tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô. Vi rút nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và chất tẩy rửa có chứa dung môi lipid, nhưng trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt như chuồng trại bị ô nhiễm, vi rút có thể tồn tại trong nhiều tháng.

            Đặc điểm dịch tễ

Động vật mẫn cảm với vi rút viêm da nổi cục là trâu, bò. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 – 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 – 5%. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 – 14 ngày.

Côn trùng chân đốt được xem là véc tơ truyền bệnh viêm da nổi cục. Mặc dù đến nay chưa xác định được véc tơ truyền bệnh cụ thể nhưng muỗi, ruồi và ve có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm lây truyền vi rút.

Các nốt sần và vảy da chứa một lượng vi rút viêm da nổi cục tương đối cao. Vi rút có thể được phân lập từ những bệnh phẩm này trong 35 ngày và có thể lâu hơn. Vi rút có thể được phân lập từ máu, nước bọt, dịch tiết ở mắt và mũi và tinh dịch. Vi rút được tìm thấy trong máu trong khoảng từ 7 đến 21 ngày sau khi nhiễm bệnh, với mức độ thấp hơn so với trong các nốt sần ở da tại cùng thời điểm lấy mẫu. Sự bài thải của vi rút trong tinh dịch có thể kéo dài tới 42 ngày. Cũng có bằng chứng về sự lây truyền vi rút qua nhau thai. Vi rút viêm da nổi cục không gây bệnh mạn tính. Một số động vật bị bệnh không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, nhưng mang vi rút trong máu và có thể truyền bệnh cho động vật khỏe thông qua côn trùng hút máu.

           Triệu chứng, bệnh tích

     Trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục có những dấu hiệu dưới đây:

     – Sốt cao, có thể trên 41độ C.

     – Giảm năng suất sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú.

     – Suy nhược, bỏ ăn và hốc hác.

     –  Viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt.

     – Sưng hạch bạch huyết bề mặt.

     – Hình thành các nốt sần có đường kính từ 2–5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao, liên quan đến da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới.

     – Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử, xơ hóa và tồn tại trong vài tháng để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn.

     – Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng, đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi.

    – Các chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể như ức, bìu, có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển.

     – Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời.

     – Bò mang thai có thể sảy thai trong vài tháng.

Hiện nay, tình hình bệnh viêm da nổi cục Trâu, Bò xảy ra ở hàng trăm xã của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trên địa bàn tỉnh Sơn La, sau khi xuất hiện tại một số bản thuộc xã Chiềng Khoa huyện Vân Hồ cuối năm 2020 thì đến ngày 24/2/2021 dịch đã xuất hiện tại Bản Kiểng xã Mường Cơi và đã bùng phát tại một số bản thuộc xã Mường Bang. Đã có nhiều con trâu bò mắc bệnh chết, phải tiêu hủy.

Để chủ động phòng, chống và kiểm soát bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; hạn chế nguy cơ lây la ra diện rộng trên địa bàn huyện. Chủ tịch UBND huyện yêu cầu:

Các tập thể, hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò cần chủ động kiểm tra để phát hiện sớm trâu, bò mắc bệnh báo cáo với chính quyền cơ sở để kịp thời xử lý;

Tăng cường công tác vệ sinh khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi bằng hóa chất, vôi bột, thuốc diệt côn trùng như ruồi, muỗi, ve, mòng; Hạn chế chăn thả tự do, tiêm vaccine phòng bệnh và tăng cường chăm sóc để nâng cao sức đề kháng của đàn trâu, bò.

Không giết mổ, kinh doanh các sản phẩm từ gia súc đã bị bệnh; không vứt bừa bãi xác trâu, bò chết ra môi trường. Nghiêm cấm vận chuyển trâu, bò, các sản phẩm từ trâu, bò chưa qua kiểm dịch ra vào vùng dịch.

Đối với người nông dân, con trâu được coi “là đầu cơ nghiệp”, trâu bò là vật nuôi có giá trị kinh tế lớn, là tài sản của mỗi gia đình. Để kịp thời giúp nhân dân các dân tộc trên địa bàn khống chế bệnh viêm da nổi cục, bảo vệ đàn trâu bò, hạn chế tối đa những thiệt hại về tài sản cho nhân dân; UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục cho trâu bò trên địa bàn huyện. Để góp phần cùng các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng trong việc phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, mỗi tập thể, cá nhân và hộ gia đình hãy chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc tiêm vaccine cho trâu, bò đảm bảo việc tiêm phòng vaccine được thuận lợi và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; Trước mắt mỗi người, mỗi nhà, mỗi hộ chăn nuôi hãy chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò như không thả rông trâu bò; chủ động vệ sinh, phun hóa chất khử khuẩn chuồng trại, theo dõi để phát hiện sớm tình trạng bệnh của Trâu, bò. Không xả thải các sản phẩm từ trâu, bò bị bệnh ra môi trường; các hộ kinh doanh hãy nói không với vận chuyển trâu, bò không rõ nguồn gốc vào địa bàn huyện; không giết mổ, không cung cấp các sản phẩm từ trâu bò bị bệnh ra thị trường. Mọi vấn đề liên quan đến bệnh viêm gia nổi cục trên trâu bò đề nghị liên hệ cán bộ thú y và chính quyền cơ sở xã, thị trấn để được tư vấn và giải quyết kịp thời.

                                                                                                

Tác giả: Thái Dương ​
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập